Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ - 2015 Cần những góc nhìn mới...

(NTO) Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 23- năm 2015 được tổ chức tại thị xã Long Khánh (Đồng Nai) gồm 8 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Nai. Liên hoan đón nhận 1962 tác phẩm ảnh của 272 tác giả gửi về tham dự. Đây là con số kỷ lục sau 23 năm tổ chức liên hoan, một tín hiệu đáng mừng dành cho những người yêu mến bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật trong khu vực.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận tổng quát qua cuộc liên hoan lần thứ 23 này nhằm đánh giá về mặt chất lượng tác phẩm để cần những góc nhìn mới mẻ trong mỗi tác phẩm. Hội đồng Giám khảo Liên hoan đã thẩm định chọn ra 17 tác phẩm ảnh xuất sắc trao huy chương và giải khuyến khích từ các bộ ảnh được tuyển chọn trong 160 tác phẩm được treo triển lãm sau những vòng chấm ảnh online cho cả hai chủ đề “Đất nước con người miền Đông Nam bộ” và “Những dòng sông quê hương”. Nhìn tổng thể, bộ ảnh giải năm nay đã có nhiều ảnh mới, gần gũi cuộc sống hơn, phản ánh trung thực một phần những thế mạnh “ đất nước con người “miền Đông Nam bộ. Tác phẩm “Nông thôn mới (Cá tầm Việt Nam)’’ của tác giả Đỗ Hữu Tuấn (Bình Thuận) được BGK trao Huy chương Vàng là một trong những bức ảnh xuất sắc nhất trong số các bức ảnh phản ánh vẻ đẹp sức sống miền Đông với ngành kinh tế mới nổi - nuôi Cá tầm ở Hồ thủy điện Đa Mi. Bức ảnh có bố cục chặt chẽ, khoảnh khắc sinh động và góc bấm máy từ trên cao xuống ở tầm vừa phải làm chiều sâu của ảnh đạt tối ưu. Tôi thích thú với tác phẩm đoạt Huy chương Bạc “Tắm mát” của tác giả Nguyễn Thành An (Đồng Nai) khi có cú bấm máy khoảnh khắc cực hay thể hiện cái hồn nhiên của hai em bé và đàn cừu nô đùa trong nguồn ánh sáng ngược. Bức ảnh đưa mỗi người chúng ta trở lại ký ức của mình về một tuổi thơ rất… ngây thơ. Một tác phẩm đoạt Huy chương Bạc khác là “ Xử lý nước thải công nghiệp” của tác giả Võ Văn Bông (Bình Dương) . Cái hay của tác giả là chọn một đề tài rất khó thực hiện : nước thải trong sản xuất công nghiệp. Bức ảnh sử dụng tốt ống kính góc rộng và chọn ánh sáng hợp lý làm nổi bật chủ đề. Tác giả Hoàng Thành ở đơn vị Bình Thuận đã thể hiện tác phẩm “Bảo vệ san hô” với nội dung tư tưởng tốt khi đề cập đến vấn đề môi trường toàn cầu ở các vùng biển đang suy thoái. Tình trạng tàn phá san hô do con người tạo nên làm cạn kiệt tài nguyên biển… Bức ảnh đoạt Huy chương Đồng..v.v…

NSNA Trương Hữu Hùng, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của VAPA, Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh tỉnh Bình Thuận cho rằng". Trong 160 ảnh được chọn vào triển lãm và thậm chí có vài tác phẩm trong bộ giải thưởng vẫn thể hiện rất “mòn” như khai thác quá nhiều chân dung cô gái trong nghề gốm Bàu Trúc, chăn nuôi cừu đàn ở Phan Rang, nhiều bức ảnh trong bộ triển lãm vẫn chọn cách lắp ghép hình ảnh từ mảnh đất nứt nẻ khô cằn trong nhiều năm qua nên rất “cũ”. NSNA Nguyễn Văn Thương- Chi Hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Bảo Lộc: “Ở chủ đề chung, ảnh tác giả gởi đến dự thi có nhiều cách thể hiện mới, nhưng nhiều đề tài vẫn cũ... Chủ đề Dòng sông quê hương ít người tham dự, chất lượng cũng chưa đạt về mặt kỹ thuật và nội dung". Riêng tôi vẫn đánh giá và bộ ảnh giải thưởng liên hoan năm nay đã có nhiều tiến bộ về góc nhìn hơn mọi năm và nhiều anh em cố gắng “theo nhịp thở” của đất nước hơn, bám sát cuộc sống hơn. Nhưng có một điều rõ ràng: phong trào ảnh nghệ thuật miền Đông Nam bộ vẫn còn bỏ sót quá nhiều đề tài hay và cũng “mòn” thật sự và còn thiếu rất nhiều “khoảng trời trống vắng” so với tiềm năng và đặc thù kinh tế- xã hội và bản sắc văn hóa vùng miền Đông Nam bộ. Người nghệ sĩ bây giờ cần phải năng động hơn, đi nhiều hơn và cần phải có tính cách sáng tạo riêng trong từng cá nhân. Sang năm 2016, tỉnh Ninh Thuận đã chính thức nhận đăng cai Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Đông Nam bộ lần thứ 24. Thời gian còn dài để chúng ta có thể đón nhận những tác phẩm ảnh nghệ thuật như mong đợi... 

Huy chương đồng tác phẩm “ Bảo vệ san hô” ( Hoàng Thành – Bình Thuận ).
 
 
Huy chương Đồng “Truyền thống” ( Huỳnh Hiệp – Bình Thuận).
 
 
Huy chương đồng tác phẩm “ Nắng ban mai” ( Nguyễn Bá Hảo – Lâm Đồng).
 
 
Tác phẩm “Sẳn sàng” đoạt Huy chương Đồng.
 
 
Huy chương đồng tác phẩm “ Về với vùng cao” ( Trần Nguyên Vũ – Ninh Thuận).
 
 
Huy Chương Bạc tác phẩm “ Tắm mát” của tác giả Nguyễn Thành An – Đồng Nai.
 
 
Huy chương Bạc “ Cuộc sống miền núi” ( Trần Trọng Lượm – Ninh Thuận)
 
 
Huy Chương Bạc tác phẩm “ Xử lý nước thải công nghiệp của tác giả Võ Văn Bông – Bình Dương.
 
 
Tác phẩm “Nông thôn mới (Cá tầm Việt Nam)" đoạt Huy chương Vàng.
 
 
 
Huy chương Vàng được trao cho tác phẩm “ Về lại bến sông” của tác giả Hoàng Thành – tỉnh Bình Thuận.
 
 
Giải khuyến khích “ Cuộc sống trên sông” của Thái An – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
KẾT QUẢ

♦  Giải Đồng đội vinh dự thuộc về 2 đơn vị: Bình Thuận và Ninh Thuận. Ở đề tài chung, Huy chương Vàng dành cho tác phẩm “Nông thôn mới (Cá tầm Việt Nam)" của tác giả Đỗ Hữu Tuấn - Bình Thuận; 2 Huy Chương Bạc dành cho tác phẩm “Xử lý nước thải công nghiệp" của tác giả Võ Văn Bông - Bình Dương, và “Tắm mát” của tác giả Nguyễn Thành An – Đồng Nai; 4 Huy chương Đồng dành cho các tác phẩm “Về với vùng cao” (Trần Nguyên Vũ - Ninh Thuận); “Bảo vệ san hô” (Hoàng Thành - Bình Thuận), “Sẳn sàng” (Nguyễn Trọng Nghĩa - Ninh Thuận), “Nắng ban mai” (Nguyễn Bá Hảo - Lâm Đồng) và 6 giải khuyến khích “Giữ nét truyền thống” (Huỳnh Công Nghĩa - Ninh Thuận, “Đường đua ngoạn mục” (Nguyễn Văn Quang - Ninh Thuận), "Tưới sớm" (Dương Quang Tín- Lâm Đồng), "Về Chuồng" (Trần Công- Bình Dương), “Phơi lụa” (Hoàng Hưng Đạo - Đồng Nai), “Bình minh hang rái” (Phan Ngọc Thọ - Ninh Thuận).

♦  Ở bộ giải chuyên đề Dòng sông, Huy chương Vàng được trao cho tác phẩm “Về lại bến sông” của tác giả Hoàng Thành - Bình Thuận; Huy chương Bạc “Cuộc sống miền núi” (Trần Trọng Lượm- Ninh Thuận); Huy chương Đồng “Truyền thống” (Huỳnh Hiệp- Bình Thuận); Giải khuyến khích “Cuộc sống trên sông” (Thái An- tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).