1. Làn sóng tị nạn tiếp tục tràn vào châu Âu gây nhiều quan ngại và căng thẳng ở các nước châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng, việc các nước thành viên của Liên minh châu Âu đùn đẩy tiếp nhận người di cư sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này và kêu gọi châu Âu cần đoàn kết tìm kiếm một giải pháp chung để giải quyết làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đang đổ về châu Âu.
Hiện các nước EU đang chia rẽ về số phân bổ hạn ngạch bắt buộc để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà Ủy ban châu Âu đề xuất. Theo kế hoạch, 60% người di cư đang ở Italia, Hy Lạp và Hungary sẽ được đưa sang Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Số lượng người di cư được phân bổ sẽ phụ thuộc vào GDP, dân số, tỷ lệ thất nghiệp, đơn xin tị nạn tới mỗi nước. Các nước từ chối tiếp nhận người di cư sẽ bị phạt tiền.
Động thái mới nhất của Mỹ, trước làn sóng chỉ trích quốc tế cho rằng Mỹ không làm đủ bổn phận trong việc giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng di cư, chính quyền Tổng thống Barack Obama cam kết, Mỹ sẽ tăng hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn từ nhiều quốc gia lên 75.000 người, so với mức quy định hiện hành 70.000 người/năm và số lượng này có thể tăng thêm. Tổng thống Obama cũng đã yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu trong năm tài khóa 2016, bắt đầu từ ngày 1-10 tới.
2. Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố những báo cáo về việc Nga tăng cường hoạt động quân sự tại Syria là một vấn đề đáng lo ngại và động thái này của Nga sẽ không đóng góp gì cho việc giải quyết cuộc nội chiến kéo dài 4 năm tại đây.
Về phần mình, Moscow cho biết, đã cùng “các chuyên gia” tới Syria, tuy nhiên từ chối bình luận về quy mô chính xác và phạm vi hiện diện quân sự của mình.
Ngoại trưởng Mỹ và Nga đã điện đàm lần thứ 2 trong vòng 4 ngày qua nhằm thảo luận các vấn đề liên quan tới cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này. Trước đó, hai quan chức ngoại giao này cũng đã có cuộc điện đàm về những phương diện khác nhau của tình hình tại Syria cũng như những mục tiêu của cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố khác. Hai bên cũng trao đổi về sự hợp tác giữa Moscow và Washington nhằm hỗ trợ Liên hợp quốc trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria.
Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
P.V