Mô hình VNEN học tập từ mô hình Escuela Nueva của Colombia trong những năm 1995-2000, một trong những mô hình giáo dục Tiểu học thành công nhất trên thế giới và từng được UNESCO khuyến khích là mô hình nên nhân rộng và áp dụng ở các nước khác.
Giờ lên lớp của giáo viên và học sinh Trường TH Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
theo mô hình VNEN.
Đặc trưng của mô hình là thể hiện sự đổi mới căn bản từ hoạt động của giáo viên (GV) thành hoạt động của học sinh (HS), chuyển đổi hình thức dạy học từ chỗ GV truyền thụ kiến thức sang việc HS tự giác, tự học, lấy HS làm trung tâm, hoạt động ở quy mô lớp thành hoạt động ở quy mô nhóm.
Mọi hoạt động của HS được diễn ra ở nhóm học tập, nhóm trưởng là người thay mặt GV điều hành các thành viên trong nhóm tự quản, tự học, tích cực hoạt động, tự giác tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức theo tài liệu hướng dẫn, phải tự nghiên cứu tài liệu, chia sẻ với bạn, báo cáo với nhóm kết quả học tập của mình. Các thành viên trong nhóm trao đổi, chia sẻ thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ học tập của nhóm. Nhóm trưởng là người hỗ trợ tích cực GV trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động và báo cáo kết quả học tập hay những vướng mắc trong học tập của nhóm cần hỗ trợ.
Đây là phương pháp mới đã phát huy được tính tích cực của HS trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động giáo dục. HS thực sự chiếm vai trò chủ đạo, trung tâm trong hoạt động học tập của mình, các em phát huy được năng lực độc lập, tích cực hoàn thành nhiệm vụ học tập, HS thực sự trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, thể hiện hết khả năng của mình, khắc phục được tình trạng dạy học áp đặt một chiều của GV. Trong dạy học theo mô hình VNEN, HS được rèn luyện nhiều về kỹ năng ứng xử, kỹ năng hợp tác, chia sẻ với nhau, kỹ năng tự đánh giá và đánh giá thông qua các hoạt động tập thể, phát triển được tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Như vậy, học tập theo mô hình này, không chỉ mang đến cho HS những tri thức mới, mà còn rèn cho HS những kỹ năng sống, hình thành đạo đức, phong cách của con người mới trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, quyết định thành công của mô hình vẫn là đội ngũ GV, phải được đào tạo đạt chuẩn theo quy định, có kỹ năng sư phạm tốt; phải biết tổ chức lớp học; quan sát hoạt động của mỗi cá nhân, mỗi nhóm, lớp học; hỗ trợ HS khi cần thiết; đánh giá quá trình và kết quả học của HS; tạo cơ hội để mỗi HS, mỗi nhóm học tập tự đánh giá tiến trình học tập của mình. Trong mỗi bài học, GV phải nắm chắc được mục tiêu của bài học và hướng đến đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng; thiết kế xây dựng các hoạt động cơ bản; hoạt động thực hành; hoạt động ứng dụng, phải tập trung quan sát lớp học để theo dõi đánh giá các kỹ năng cơ bản: Nói, đọc, viết, tính toán, diễn đạt, trình bày, so sánh, phân tích, tổng hợp... của HS, thông qua đó đánh giá năng lực, sự phát triển của mỗi HS qua từng bài học. Ngoài ra, việc trang trí, sắp xếp bàn, ghế theo từng nhóm HS phải khoa học, hợp lý, bố trí tranh ảnh, đồ dùng dạy học, xây dựng góc học tập, góc thư viện, bảng tin, hộp thư bè bạn... tạo được môi trường học tập gần gũi, thân thiện, không khí thoải mái, nhẹ nhàng cho lớp học.
Sau 3 năm học áp dụng giảng dạy theo mô hình VNEN đã mang lại sự đổi mới tích cực trong lĩnh vực giáo dục, kết quả, từ chỗ HS nhút nhát, thiếu tự tin, các em đã trở thành một HS biết tự chủ, tự tin, tự giác trong học tập, chất lượng ngày càng được nâng lên, giảm tỷ lệ HS yếu kém, HS bỏ học. Năm học 2014-2015, mức độ hoàn thành về phát triển phẩm chất đạt 100%; mức độ hoàn thành về phát triển năng lực đạt 99,98%; tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày cấp Tiểu học đạt 48,6%, tăng 18,4% so với cùng kỳ, trong đó HS học theo mô hình VNEN đạt 11,8%. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đạt 80%, góp phần thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Đức Lý