Nguyễn Bá Ninh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
|
Nguyễn Bá Ninh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tạo được bước phát triển mới toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy và học; huy động sức mạnh toàn dân thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục, phát triển đa dạng hóa các hình thức đào tạo; đẩy mạnh phong trào học tập mang lại cho mọi người dân cơ hội học tập và đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho giáo dục.
Có thể nói, cấp ủy và chính quyền các cấp trong những năm qua đã quan tâm chăm lo phát triển quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Tính đến năm học 2014-2015, quy mô giáo dục, đào tạo toàn tỉnh có 338 cơ sở giáo dục, gồm các cấp học MN, TH, THCS, THPT, khối các Trung tâm, khối giáo dục Đại học, khối giáo dục nghề nghiệp, với hơn 132 nghìn học sinh, sinh viên và trên 10 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ huy động ra lớp đúng độ tuổi ở cấp học phổ thông đạt 80,3%, tăng 3,7% so với năm 2011; tỷ lệ học sinh TH học 2 buổi/ngày đạt 48,23%, tăng 19,9% so với năm 2010; chất lượng giáo dục có được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học đều tăng, tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Kết quả tốt nghiệp THPT bình quân trong 5 năm hệ THPT đạt 94,94%, hệ GDTX THPT đạt 78,07% và học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng bình quân đạt 22,42%, riêng đại học trúng tuyển 12,48%...
Trường THPT Bác Ái được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang
đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng đồng bào Raglai. Ảnh: V.M
Đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nhờ đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo ngày càng tăng, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và quy mô phát triển của ngành. Toàn ngành có 7.536 giáo viên, giảng viên, trong đó có 99,83% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, cao hơn mặt bằng chung toàn quốc. So với năm 2010, cấp MN đạt chuẩn trở lên có 98,36%, tăng 4,1%; trên chuẩn đạt 50%, tăng 17,7%. TH đạt chuẩn trở lên có 99,8%, tăng 2,24%; trên chuẩn đạt 93,2%, tăng 13,31%. THCS đạt chuẩn trở lên có 99,7%, tăng 0,73%; trên chuẩn đạt 71,6%, tăng 13,4%, vượt chỉ tiêu 21,6% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Cấp THPT đạt chuẩn trở lên có 100%, trên chuẩn đạt 8,2%, tăng 5,3%. Trường CĐSP 100% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 53,97%.
Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 66/235 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 28,1%, tăng 40 trường so với năm học 2010-2011. Theo kế hoạch thực hiện đến cuối năm 2015 sẽ kiểm tra, công nhận thêm 6 trường, nâng số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 72/235 trường, đạt tỷ lệ 30,6% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là 0,6%). Phòng học được đầu tư sửa chữa, xây mới so với năm 2010: Cơ sở MN có 767 phòng học, tăng 101 phòng; TH có 2.159 phòng, tăng 264 phòng; THCS có 799 phòng, tăng 132 phòng; THPT có 347 phòng, tăng 55 phòng.
Toàn ngành xác định phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt” là phong trào chủ đạo, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của ngành. Đội ngũ giáo viên thi đua cải tiến phương pháp dạy học; đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác tư liệu, soạn giáo án, thiết kế bài dạy điện tử và sử dụng các thiết bị, phương tiện hỗ trợ giảng dạy, giúp học sinh phát huy tính chủ động, dễ tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, hằng năm, các đơn vị đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, thành phố để chọn đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực làm nòng cốt cho phong trào ở các trường.
Kết quả 5 năm học qua, toàn tỉnh có 53 giáo viên đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong 4 cấp học. Học sinh giỏi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh có 25 học sinh THCS và 52 học sinh THPT đạt giải; cấp quốc gia có 32 em THPT đạt giải; Cuộc thi Giải Toán trên máy tính cầm tay có 65 học sinh THCS đạt giải môn Toán và 126 học sinh THPT đạt giải các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh; cấp quốc gia có 10 học sinh THCS đạt giải môn Toán và 43 học sinh THPT giải môn Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì và nâng cao chất lượng: Có 100% xã, phường đã giữ vững được chuẩn về xóa mù chữ-phổ cập giáo dục TH; 63/65 xã, phường (tỷ lệ 96,9%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi và được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi năm 2013; 100% (65/65) xã, phường đã giữ vững được chuẩn về phổ cập giáo dục THCS. . .
Hệ thống các cơ sở đào tạo đang phát triển ở cả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, gồm khối giáo dục Đại học có 4 đơn vị: Phân hiệu Đại học Nông lâm, Viện Đào tạo và Khoa học Ứng dụng miền Trung-Đại học Thủy lợi (ĐH2 cũ), Trường CĐSP; khối giáo dục nghề nghiệp có 5 đơn vị: Cao đẳng nghề, Trung tâm Dạy nghề Tấn Tài, Trung cấp Việt Thuận, Trung cấp Y tế, Phân hiệu Trung cấp Y Dược Hà Nam và các trung tâm GDTX, KTTH-HN đã đào tạo hoặc liên kết đào tạo trên 9.000 lượt học sinh, sinh viên; trong đó, có 103 học viên sau đại học. Riêng lĩnh vực đào tạo nghề đã đào tạo cho 9.532 học viên, trong đó nghề dài hạn cho 1.083 học viên, nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề cho 8.449 học viên, nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 đạt được các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, trong giai đoạn 2015-2020, ngành GD&ĐT tỉnh tập trung thực hiện các mục tiêu đề ra với các giải pháp cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tạo sự đồng thuận trong toàn ngành và toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp tham gia công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học bằng cách áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn để phát triển năng lực cá nhân của người học; chú trọng giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung đào tạo mũi nhọn. Triển khai đổi mới phương pháp kiểm tra, tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng và tác động tích cực đến việc dạy-học; khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Bốn là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát, phân bố lại đội ngũ theo hướng đảm bảo năng lực quản lý, năng lực sư phạm, khuyến khích đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Năm là, tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục; tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có 50% trường đạt chuẩn quốc gia.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT tỉnh nhà tin tưởng từ kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII sẽ tạo động lực mới, huy động được nhiều nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tỉnh nhà phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.