(NTO) Có thể nói những năm gần đây với chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)”, tỉnh ta đã tạo nhiều điều kiện ưu đãi để vừa thu hút các nguồn lực đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh, vừa giúp cho DN khai thác từ những lợi thế cạnh tranh của địa phương...để phát triển lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, cân phân mà nói số DN thực sự làm ăn đạt hiệu quả cao chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân. Xét về mặt chủ quan, cho thấy nội tại các DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, còn có yếu tố “tác động” đó là lãnh đạo các cấp chưa thật sự tích cực trong giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh có liên quan cho DN. Theo phản ánh của DN trong tỉnh, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, một số thủ tục còn cứng nhắc; các quy định về thuế thường xuyên điều chỉnh thay đổi, chính sách thuế chưa thông thoáng khi DN khó khăn; các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ cho DN chưa được đánh giá cao; chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thiếu và đào tạo chưa chuyên sâu…
Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ảnh: Văn Miên
Để khắc phục tình trạng nêu trên, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2016-2020 và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DNNVV, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành công khai minh bạch đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh... cho DNNVV biết để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch nhằm phát huy và khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về luật pháp cho các DN. Tập trung đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và công khai minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất cho DNNVV hoạt động sản xuất, kinh doanh, chú trọng các lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư, môi trường, thành lập DN, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí... Mặt khác, tích cực hỗ trợ DNNVV tiếp cận về tín dụng, về khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, khuyến khích phát triển DNNVV khu vực nông thôn. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gắn với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích DNNVV đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tranh thủ tốt nhất các nguồn lực từ Chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại quốc gia, để đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh công tác trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV, đặc biệt là lao động kỹ thuật…
Bằng các chính sách hỗ trợ hiệu quả của tỉnh, mục tiêu đặt ra trong 5 năm (2016 – 2020) cần đạt tới, đó là số DN đăng ký thành lập mới hàng năm tăng bình quân 13 – 15%/năm, đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 3.500 - 4.000 doanh nghiệp, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015. Tương ứng là tỷ lệ thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DN chiếm từ 68 – 70% trên tổng thu nội địa và chiếm 28 – 30% GDP của tỉnh. Một trong những yêu cầu quan trọng nữa là các DNNVV phát triển sẽ tạo thêm khoảng 15 – 20 nghìn việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong khối DN đến năm 2020, khoảng 35 – 40 nghìn lao động, chiếm khoảng 10% tổng số lao động trong toàn tỉnh...
Có thể nói hướng đi đã mở, vấn đề còn lại là nỗ lực từ phía các DN và sự gắn kết trách nhiệm, tâm huyết của các ngành, địa phương liên quan, vì sự phát triển chung của tỉnh. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, làm giảm niềm tin của DN vào chủ trương đúng của tỉnh.
T.D