Trong tuần học đầu tiên, tỷ lệ vận động HS ra lớp đạt khoảng 95%, so với các năm trước thì tỷ lệ năm nay đạt khá cao. Để hạn chế tình trạng HS bỏ học, đảm bảo duy trì sĩ số đến cuối năm học, năm nay, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục duy trì và tập trung triển khai thực hiện tốt hơn mô hình bán trú ở các cấp học, đồng thời đổi mới phương pháp dạy, tạo thêm nhiều sân chơi và các hoạt động ngoài giờ bổ ích để thu hút các em HS.
Cô và trò trường Tiểu học Phước Thành A dạy và học tiếng việt trước năm học mới.
Trong năm học này, trên địa bàn huyện Bác Ái tăng gần 800 HS so với năm học trước, nên việc sắp xếp phòng học, bố trí đội ngũ giáo viên đứng lớp hợp lý để đáp ứng việc dạy và học được ngành GD&ĐT triển khai rất tích cực. Trước khi kết thúc năm học 2014–2015, phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai xây dựng, sửa chữa một số công trình, trường, lớp học và kịp thời đưa vào phục vụ cho năm học này như: Tu bổ, sửa chữa mới 5 trường đã xuống cấp với tổng kinh phí trên 550 triệu đồng; thông qua nguồn hỗ trợ của OXFAM đã xây dựng được sân chơi cho một số trường TH. Ngoài ra, bằng nguồn vốn từ công tác huy động xã hội hóa, phòng GD&ĐT huyện cũng đã đầu tư xây dựng 2 nhà bán trú dân nuôi tại Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ (xã Phước Thành) và Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Linh (xã Phước Tân); huy động được 500 bộ sách giáo khoa, 16.000 quyển vở; 164 bộ cặp, dụng cụ học tập; 40 bộ máy tính… để hỗ trợ tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường; đồng thời ngành cũng đã tổ chức triển khai cấp phát gạo tạm ứng học kỳ I cho 1.854 HS, với tổng số gạo hơn 55,6 tấn.
Mặc dù vậy, trong năm học này, ngành GD&ĐT huyện Bác Ái vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Đó là một số cấp học, trường học vẫn còn tình trạng thiếu phòng; đội ngũ giáo viên tuy được nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vẫn đang thiếu so với nhu cầu của năm nay là 84 giáo viên...
Có thể nói mặc dù hằng năm, ngành GD&ĐT huyện Bác Ái nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhưng mỗi năm huyện Bác Ái có thêm nỗi lo riêng. Để thực thắng lợi nhiệm vụ năm học, nâng cao chất lượng dạy và học ở địa bàn huyện miền núi là một “bài toán” không dễ. Bên cạnh sự nỗ lực của huyện, Bác Ái rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trong tỉnh đưa sự nghiệp giáo dục ở địa phương ngày một phát triển toàn diện.
Nguyễn Sơn