Nguyễn Bá Ninh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
|
Nguyễn Bá Ninh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Nhìn lại năm học 2014- 2015 diễn ra trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất nhìn chung vẫn còn thiếu, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng giáo dục còn hạn chế... Song ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, không ngừng đổi mới công tác quản lý; nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giáo dục, đào tạo đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Kết thúc năm học vừa qua, tỷ lệ huy động ra lớp đúng độ tuổi ở cấp học phổ thông đạt 80,3%, tăng 3,7% so với cùng kỳ; chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học đều tăng, tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Chất lượng giáo dục được đánh giá thực chất hơn, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Học sinh tốt nghiệp THPT đạt 84,69%, giảm 14,63%; hệ GDTX THPT đạt 63,27%, giảm 25,63%. Học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ đạt 24%, tăng 0,34% so với cùng kỳ; học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn HSG các môn văn hóa, giải toán trên máy tính cầm tay, giải toán qua Internet, thi Olympic tiếng Anh trên Internet... cấp tỉnh, quốc gia đều tăng.
Các em học sinh Trường THPT Chu Văn An phấn khởi vào năm học mới. Ảnh: Văn Miên
Công tác phổ cập giáo dục, XMC được duy trì và nâng cao chất lượng, 100% xã, phường đã giữ vững được chuẩn về XMC-PCGD tiểu học; 63/65 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2013; 100% (65/65) xã, phường đã giữ vững được chuẩn về phổ cập giáo dục THCS. Với kết quả đạt được, Sở GD&ĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2014-2015.
Bước vào năm học 2015-2016, toàn ngành tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dụcvà đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Lâm Sơn (Ninh Sơn).Ảnh: Nguyễn Sơn
Phát huy những thành tích đạt được, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo; chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh trong và ngoài nhà trường, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên tại các cơ sở giáo dục. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.
Thứ hai, Triển khai mạnh mẽ đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan, tránh bệnh thành tích trong giáo dục. Đẩy mạnh công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Chú trọng giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc, tập trung đào tạo mũi nhọn
Thứ ba, Hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện chuyển đổi ngành, nghề của người lao động. Củng cố kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ theo hướng mở, bền vững, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người học và thực tiễn của địa phương tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Thứ tư, Tham mưu kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên diện chính sách xã hội, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Rà soát việc thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.
Bước vào năm học mới, với sự quan tâm chăm lo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tập thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên đoàn kết ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015-2016. Nhân ngày khai giảng năm học 2015-2016, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, tôi gửi lời thăm hỏi và chúc mừng tới các thế hệ giáo viên; chúc các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên trong ngành Giáo dục và Đào tạo bước vào năm học mới gặt hát nhiều thành công mới.