Chuyện những đứa trẻ bán vé số

(NTO) Đã là cha mẹ ai cũng mong muốn con mình được khoẻ mạnh, lớn khôn và mai sau trưởng thành chúng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nếu chỉ như vậy thì sao có những đứa bé đang là tuổi ngủ, tuổi chơi, tuổi học lại phải bươn chải để kiếm sống. Trong số những đứa bé “không có tuổi thơ” mà ta dễ bắt gặp là “những đứa trẻ bán vé số”.

 
Ảnh minh họa.

Anh bạn tôi vốn không thích gì trò chơi may rủi, nhất là mua vé xổ số, lý giải: Có một thực tế chưa ai tổng kết, rằng càng nghèo con người lại càng trông chờ vào điều thần kỳ nào đó để trở nên giàu có. Ví như những nơi kinh tế khó khăn nông thôn, miền núi thì số người dân nghèo tham gia chơi vé số chiếm tỷ lệ khá cao. Chẳng hạn, vùng đồng bằng sông Cửu Long là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp xổ số. Nộp ngân sách hằng năm của họ cứ hàng trăm tỷ đồng. Vì thế chẳng bao giờ thấy anh mua vé số nhưng trong một lần vui, anh đã phá lệ, không chỉ mua một đôi tờ cho vui mà ẵm trọn sêri vé hai chục tờ. Bạn bè thấy vậy chọc vui: Có người bỗng dưng mơ tỷ phú, ngày mai trời không nổi giông mới lạ!? Không để ý sự giễu cợt bạn bè, anh chỉ cho mọi người: Các vị thấy đấy, cháu gái bằng tuổi đứa cháu đầu tôi năm nay học lớp ba, chắc không được học hành - đêm hôm bán vé số thấy mà thương, tôi mua là giúp cháu. Thế rồi anh phát cho mỗi người vài vé và không quên nhắc bé gái, nếu trúng con quay lại đây báo, ông trọng thưởng nhé!

Chuyện cháu gái qua đi nhanh nếu như không có dịp tôi bắt gặp hai đứa bé một trai, một gái tuổi chừng chín, mười cùng người mẹ trẻ chia nhau bán vé số ở các quán cà phê. Đứa nhỏ đi một hướng, chị đi một hướng, hết vé chúng chạy đến mẹ lấy bán tiếp. Thấy tụi nhỏ, một vài người ái ngại, rủ lòng thương: Mẹ thiệt của chúng hay mẹ… có trời mà biết được, chỉ tội lũ nhỏ đến mùa tựu trường rồi mà không được đi học? Có điều biết rằng khả năng trúng số chỉ một phần triệu nhưng rất nhiều người sẵn lòng mua giúp cháu dù chỉ vài tờ. Không chỉ những cháu bé thơ, chúng tôi còn bắt gặp cháu gái tuổi thiếu niên, gương mặt gầy gò, da đen sạm bán vé số. Mua giúp cháu ít tờ rồi dò hỏi, cháu cho biết: Mẹ bỏ cha đi xa, cha một mình nuôi mấy chị em. Thương cha cháu nghỉ học đi bán vé số kiếm tiền giúp gia đình. Thế cháu có đi học không? - Cháu nghỉ luôn rồi vì phải bán cả ngày lẫn buổi tối. Thế mới thấy nhiều cháu tuổi thơ bất hạnh.

Chỉ cần dạo qua thành phố lúc buổi sáng hay chiều tối, chúng ta sẽ bắt gặp không ít những đứa trẻ bán vé số. Có những đứa trẻ hoàn cảnh gia đình hết sức ngặt nghèo phải bỏ học kiếm tiền từ nhỏ, nhưng biết đâu trong số đó có những trẻ thơ bị lợi dụng hoặc cha mẹ thiếu trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục. Việc xác định trách nhiệm của cha mẹ hoặc những người giám hộ đối với những đứa trẻ này như thế nào là chuyện dài nhiều tập. Nhưng chân lý “Tuổi thơ là thế giới ngày mai” rất cần mỗi người, mỗi gia đình, các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp… cùng nhau chung sức để những đứa trẻ bán vé số được cắp sách đến trường, được tận hưởng tuổi thơ trong sáng như bao bạn bè cùng trang lứa.