Thế giới trong tuần

1. Nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận vừa đạt được giữa hai miền Triều Tiên là bước khởi đầu trong một chương mới trong mối quan hệ liên Triều sau nhiều năm căng thẳng.

Theo các chuyên gia phân tích, thỏa thuận trên bao gồm tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn, đó là việc Triều Tiên bày tỏ làm tiếc về việc nổ mìn và Hàn Quốc cam kết ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Các nhà quan sát cho rằng việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây, đồng thời nhận xét rằng thỏa thuận vừa đạt được thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc chấm dứt sự đối kháng, trong khi nỗ lực thiết lập một khuôn khổ mới cho mối quan hệ liên Triều.

 
Số lượng người nhập cư trái phép vào Châu Âu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ngoài những ý kiến lạc quan cũng còn một số ý kiến cho rằng vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Thỏa thuận tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể được coi là một bước tiến bộ, nhưng vấn đề cốt lõi là chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa hề được thảo luận.

2. Phát biểu với báo chí ngày 26-8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland khẳng định, Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hợp tác có lựa chọn với Moscow.

Theo quan chức ngoại giao này, các nhà lãnh đạo hai nước có thể gặp mặt tại phiên họp vào tháng tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tham gia “một số sự kiện đa phương” bên lề phiên họp và một vài sự kiện, trong số đó có thể tạo ra cơ hội gặp mặt giữa ông Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Quan hệ giữa Nga với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung hiện đang ở thời điểm thấp nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh lạnh đến nay liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Phương Tây cáo buộc Moscow ngầm hậu thuẫn các lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraina, trong khi Nga kiên quyết phủ nhận. Hai bên đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau.

3. Đức đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, bằng việc mở cửa cho người tị nạn Syria.

Đức và Thụy Điển đang là 2 quốc gia có số người xin tị nạn đông nhất châu Âu và dự kiến trong năm 2015, nước Đức sẽ phải xử lý 800.000 đơn xin tị nạn, tức cao gấp 4 lần năm 2014. Tuy nhiên, trong số này, cần phân biệt giữa tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế.

Số người đổ về Đức xin tị nạn đến từ rất nhiều nước, không chỉ là Syria mà có cả nước Balkan, Nam Tư cũ hay Albania… Số người này được coi là tị nạn kinh tế, trong khi những người đến từ Syria được xem là tị nạn chính trị, họ phải bỏ đất nước ra đi do cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. Vì thế, việc Đức không trả người tị nạn Syria về nước nhập cảnh đầu tiên, thường là Italy hoặc Hy Lạp, là một việc làm nhân đạo.

Nguyên nhân thứ hai khiến Đức ra quyết định này đó là Đức, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ nhất và là thành viên lãnh đạo của Liên minh châu Âu, nước làm gương để ép các nước châu Âu khác hành động.

Với châu Âu, nếu các nước vẫn mạnh ai nấy làm, không chịu chia sẻ trách nhiệm và sớm tìm ra các chính sách chung thì cuộc khủng hoảng này sẽ còn nghiêm trọng hơn.