Bàn về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề, Tòa không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì Tòa đại diện cho công lý, bảo vệ quyền lợi ích của công dân. Vậy tại sao có thể từ chối tiếp nhận giải quyết vụ việc dân sự. Nếu như vậy thì ai là người đứng ra bảo vệ cho người dân. Mà nếu từ chối giải quyết thì người dân sẽ phải tự giải quyết thì có chấp nhận được không?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cũng tán thành, Tòa án cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, ĐB Kim Thúy cho hay phải làm thế nào để khi quy định vào trong luật phải có tính khả thi. Nếu chúng ta không quy định thì sẽ không đáp ứng Hiến pháp mới, đây cũng là đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.
“Khi giải quyết vụ việc dân sự khó lường hết được những tranh chấp sẽ phát sinh trong cuộc sống. Do đó, những vấn đề tranh chấp dân sự mà trong các luật khác không quy định thì giao hết cho Tòa án giải quyết. Và khi giải quyết vấn đề ở đây cần phải đặt cái lý, cái tình lên trên để 2 bên cùng chấp nhận” – ĐB Kim Thúy nói.
Có ý kiến đề nghị, cần cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải quyết các loại vụ việc này và có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự khi chưa có điều luật để áp dụng.
Tuy vậy, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vì thiếu tính khả thi, không phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất. ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong luật hay không cần phải cân nhắc vì có thực hiện được hay không? Quan điểm của ĐB là không nên quy định vào trong Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vì trên thực tế lâu nay chúng ta không thực hiện được do nguồn án lệ chưa có. Và bây giờ lại tiếp tục quy định trong luật thì có nên hay không? Với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay khác với nhiều nước khác, cho nên chúng ta cần phải quy định như thế nào đó cho phù hợp với thực tiễn.
ĐB Xuân Thường lấy dẫn chứng: “Anh gần nhà tôi kiện ông hàng xóm vì tội phá vỡ hạnh phúc gia đình có được hay không? Bởi vì quấy rối vợ người ta, phá vỡ hạnh phúc nhà người ta thì có kiện được không? Nếu đó là quyền vậy tòa án có thụ lý hay không? Có những quy định dù có đưa ra tòa cũng không thể giải quyết được. Vậy tại sao chúng ta lại quy định vào luật để người dân đến kiện mất thời gian, tốn tiền lệ phí”.
Về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, có ý kiến cho rằng VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Một số ý kiến cho rằng, trong tố tụng dân sự VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng. Do vậy, VKSND là cơ quan tham gia tố tụng.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Suốt mấy chục năm nay chúng ta đều công nhận Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng rồi, vậy tại sao lại phải thay đổi? Không thấy có sự cản trở gì thì tại sao phải sửa đổi?
Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân, nhiều ý kiến tán thành với phương án giữ nguyên như quy định Bộ luật, VKSND tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tán thành với quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị, quy định cụ thể những loại hòa giải nào được công nhận bởi Tòa án; quy định chi tiết trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý quyết định công nhận kết quả hòa giải này.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, hòa giải là thủ tục quan trọng trong giải quyết tranh chấp lao động cũng như tranh chấp dân sự nên quy định hòa giải chỉ tiến hành khi các bên đương sự tự nguyện tố tụng này, để các bên có quá trình tự thỏa thuận, thương lượng, hòa giải./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam