Nhân sự mới tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu bổ sung và miễn nhiệm nhân sự tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Văn Sao, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Công Trường, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Man, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh Kiên Giang
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp đổi mới công ty nông lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Kiên Giang.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông lâm nghiệp Kiên Giang (Công ty) thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên nông lâm nghiệp, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, theo đúng quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và pháp luật hiện hành.
Đối tác góp vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên nông lâm nghiệp phải có năng lực về tài chính, công nghệ để đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; chú trọng liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong vùng.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trước khi phê duyệt đề án thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên nông lâm nghiệp, UBND tỉnh Kiên Giang rà soát lại hiện trạng quản lý đất đai của Công ty, xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất không đúng quy định; xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và pháp luật về đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và chiến lược kinh tế xã hội của tỉnh Kiên Giang.
Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 5 địa phương
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin dịch tả lợn; hóa chất sát trùng Benkocid; hóa chất Chlorine 65% min; hóa chất sát trùng Han-Iodine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, tỉnh Sơn La 50.000 liều vắc xin dịch tả lợn và 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; tỉnh Nghệ An 30 tấn hóa chất Chlorine 65% min; tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bình Thuận mỗi tỉnh 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; tỉnh Quảng Nam 10.000 lít hóa chất sát trùng Han - Iodine.
Việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hoá chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Từ tháng 5/2015, nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ và đặc biệt gay gắt liên tục duy trì ở khu vực từ Nghệ An đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam và Bình Thuận, do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn tới thiếu nguồn thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, gia cầm đã tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển và làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, phát sinh dịch bệnh.
Lựa chọn nhà thầu Dự án trưng bày di tích, di vật Nhà Quốc hội
Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 theo phương thức đàm phán trực tiếp với nhà thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện đối với gói thầu “Cột ánh sáng kiến trúc Lý (Đèn ống hình cột)” và gói thầu “Chế tạo sa bàn và mô hình công trường khảo cổ học” theo đề nghị của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chỉ đạo Chủ đầu tư thực hiện lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với 2 gói thầu nêu trên trong trường hợp đáp ứng các điều kiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ được phê duyệt.
Bên cạnh đó, thực hiện việc trình, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các nội dung trong đấu thầu (bao gồm cả yêu cầu của gói thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu) theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành; vốn cho gói thầu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện; việc lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, tiến độ và hiệu quả kinh tế.
* Theo Dự án, dưới tầng hầm Nhà Quốc hội sẽ trưng bày một số di tích, di vật khảo cổ tiêu biểu, đặc sắc khai quật được tại khu vực tầng hầm 1 và 2 ở phía Đông của tòa Nhà Quốc hội. Khu trưng bày có tổng diện tích mặt bằng khoảng 3.700 m2. Trong đó, tầng hầm 1 trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Thăng Long, bao gồm từ thời Lý, Trần đến thời Lê, thế kỷ 15-18, trong đó, chủ yếu giới thiệu về thời nhà Lý; tầng hầm 2 trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Tiền Thăng Long, bao gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10).
Bảo đảm tiến độ Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La
Để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại các Thông báo số 446/TB-VPCP ngày 28/11/2014 và Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 20/5/2015 của Văn phòng Chính phủ.
Để kết thúc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn la vào ngày 31/12/2015, UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu tập trung triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5406/VPCP-KTN ngày 13/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo rà soát kết quả thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, khẩn trương thực hiện việc kiểm tra kết quả thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La và Lai Châu, báo cáo kết quả Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/9/2015.
Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.
Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay-Nậm Nhùn, giai đoạn 1).
Đến nay, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết toàn bộ 78 khu, 285 điểm tái định cư xen ghép vào 37 bản thuộc 16 xã và khu tái định cư tự nguyện.
Nhà nước cũng đã triển khai gần 8.000 phương án hỗ trợ, bồi thường với số vốn giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng cho hơn 40.000 hộ dân, 232 tổ chức phải di dời hoặc chịu ảnh hưởng.
Sớm ban hành chính sách, cơ chế sử dụng nguồn vốn ODA
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành văn bản pháp quy về chính sách, cơ chế tài chính đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với quy định hiện hành và tình hình, khả năng vận động nguồn vốn này trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực, trong công tác vận động, tổ chức thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nhiều cơ quan đã triển khai hiệu quả chủ trương chuyên nghiệp hóa ban quản lý dự án; chủ động tự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có 10 dự án đã cơ bản giải quyết xong các vướng mắc, giải ngân đạt nhiều tiến bộ, trong đó nổi bật là các dự án trong ngành năng lượng và giao thông vận tải.
Tuy nhiên, kết quả ký kết hiệp định và tốc độ giải ngân chương trình, dự án vẫn chậm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn còn 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết nhưng chưa được giải ngân; 14 dự án, nhất là các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất chậm, làm dư luận bức xúc và gây lo ngại cho các nhà tài trợ.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đạt các mục tiêu đề ra của năm 2015 và chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau, các Bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1257/QĐ-TTg ngày 25/7/2014.
Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình vận động, chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết hiệp định, nhất là trong công tác chuẩn bị, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với các nhà tài trợ thuộc Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển. Các cơ quan chủ quản cần thường xuyên báo cáo tiến trình chuẩn bị chương trình, dự án với nhà tài trợ, kịp thời lấy ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương làm chủ quản các chương trình, dự án có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp và trong danh sách chậm tiến độ cần quyết liệt hơn trong điều hành công tác giải ngân, định kỳ hàng tháng báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện và chuyển biến của các dự án này, gửi Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần phấn đấu đạt chỉ tiêu giải ngân của cả năm là 5,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành trong thời gian tới để tập trung giải quyết vướng mắc cho các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiện toàn Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo, bổ sung cán bộ khi thấy cần thiết, thu xếp thời gian để Tổ Công tác liên ngành đi thực tế thường xuyên hơn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và trong việc áp dụng các quy định pháp luật mới ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, đột phá cần được tập trung tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách; các cơ quan chủ quản chủ động nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng.
Văn phòng Chính phủ