Chứng khoán Trung Quốc giảm gây hiệu ứng toàn cầu

Trong phiên giao dịch mở cửa ngày 25/8, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải (SCI) đã mất 205,78 điểm, tức 6,41%, xuống còn 3.004,13 điểm, sau khi giảm 8,49% ngày 24/8 - mức giảm mạnh nhất trong 8 năm qua.

Chỉ số chứng khoán Thâm Quyến (Shenzen) cũng giảm 6,91% xuống 10.212,47 điểm. Trên các thị trường chứng khoán khác ở châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng lần lượt giảm 0,6% và 2%, sau khi mất 5% và 4,61% vào ngày 24/8. Chỉ số S&P/ASX200 trên thị trường chứng khoán Australia trong phiên giao dịch mở cửa sáng 25/8 giảm 1,41%, sau khi đã mất 4,09% ngày 24/8. Trước đó, chứng khoán Trung Quốc giảm sâu, cùng những quan ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc và thế giới, đã gây hiệu ứng toàn cầu. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 24/8, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ gồm Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc xấp xỉ 4%. Đây là sự mất giá tệ hại nhất của ba chỉ số chứng khoán này trong vòng 4 năm qua. Trên thị trường chứng khoán Toronto của Canada, chỉ số tổng hợp Standard & Poor's /TSX giảm 3,12% xuống 13.052,74 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013 Các chỉ số chứng khoán châu Âu ngày 24/8 cũng đã mất điểm nghiêm trọng. Chỉ số chứng khoán DAX 30 - chỉ số quan trọng nhất trên sàn chứng khoán Frankfurt của Đức xuống dưới mức 10.000 điểm.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong phiên giao dịch mở cửa ngày 24/8, chỉ số DAX đã lập tức mất 3,1% giá trị, xuống 9.810 điểm, thậm chí trong ngày có thời điểm xuống còn 9.338 điểm. Báo Thương mại của Đức đã gọi ngày 24/8 là “Ngày thứ Hai đen tối” trong lịch sử thị trường chứng khoán nước này. Tính từ giữa tháng 8 tới nay chỉ số DAX đã mất trên 16%. Đà tụt dốc đã khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu nhằm hạn chế thiệt hại về tài chính. Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Đức sẽ còn tiếp tục mất thêm 5-6% trước khi chạm đáy và tăng trở lại. Các chuyên gia cũng cho rằng trong hai đến ba năm tới, chỉ số DAX 30 sẽ tăng mạnh, thậm chí phá kỷ lục mới. Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu ngày 24/8 cũng giảm 6%. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 giao dịch trên sàn chứng khoán Paris (Pháp) vào khoảng 15 giờ ngày 24/8 mất đến 8%. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 4,67% xuống 5.898,87 điểm. Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng Deutsche Bank nhận định những lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu xuất phát từ những vấn đề ở Trung Quốc là không có căn cứ.

Theo chuyên gia này, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh với 2%, châu Âu cũng đạt tăng trưởng khoảng 1,5%, và Trung Quốc, bất chấp những vấn đề về dân số, lương tăng và vấn đề nợ do đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng, cũng không thể trượt vào khủng hoảng kéo dài. Các nhà phân tích Thụy Sĩ cũng kêu gọi giới đầu tư và các công ty giữ bình tĩnh khi chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh. Chuyên gia Joachim Klement (Gioa-khim Clê-men) thuộc công ty tư vấn Wellershoff & Partners nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện chủ yếu bị chi phối bởi sự hoảng loạn vô lý của nhà đầu tư, trong khi chưa có dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc lao đao. Ông Nicolas Musy (Ni-cô-la Mu-xi) đồng sáng lập công ty tư vấn Trung Quốc trụ sở tại Thượng Hải, thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại từ mức tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây, song cho rằng không nên quá chú trọng những con số, bởi theo ông, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm nhiệt sau khi đã bị đẩy giá trị lên quá mức. Ngoài ra, chứng khoán chỉ chiếm một phần nhỏ trong tích lũy của người dân Trung Quốc. Do vậy, ngay cả khi thị trường đi xuống cũng không ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi Chính phủ Trung Quốc can thiệp để vực dậy thị trường chứng khoán thông qua việc mua cổ phiếu và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ.

Theo TTXVN