Tại tỉnh ta, qua gần 8 năm triển khai, đã có hàng chục ngàn hộ được vay, tạo điều kiện cho con em mình ăn học, với tổng dư nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay tín dụng HSSV đạt trên 24,9 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ đến nay lên hơn 362,6 tỷ đồng/15.771 hộ vay, với 20.094 HSSV. Trong đó, đối tượng là hộ gia đình nghèo, dư nợ: 26,821 tỷ đồng/1.164 hộ, với 1.544 HSSV; đối tượng cận nghèo dư nợ trên: 333,4 tỷ đồng/14.446 hộ, với 18.356 HSSV và đối tượng khó khăn, dư nợ: 2,213 tỷ đồng/155 hộ, với 186 HSSV…
Cán bộ NHCSXH tỉnh giải quyết hồ sơ vay vốn tín dụng HSSV tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: V.M
Anh Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch –Nghiệp vụ, Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh (NHCSXH tỉnh) cho biết: Ngay sau khi Quyết định có hiệu lực, NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các cấp ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các đối tượng sớm được tiếp cận nguồn vốn vay, ngoài việc phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, NHCSXH tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.726 Tổ tiết kiệm và vay vốn, phủ kín ở tất cả các thôn, khu phố, cùng với 65/65 điểm giao dịch đặt tại các xã, phường, thị trấn đã giúp cho việc thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV triển khai được nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế xảy ra sai sót, khiếu nại.
Theo thông báo mới đây của NHCSXH tỉnh, hiện nay lãi suất cho vay Chương trình tín dụng HSSV được áp dụng theo 1 mức 0,55%/tháng và trung bình mỗi tháng một HSSV chỉ được vay đối đa 1,1 triệu đồng, 1 năm không quá 11 triệu/ HSSV. Việc cho vay tín dụng theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ đối với HSSV cũng được quy định rõ ràng là do cha, mẹ hoặc người thân trong hộ gia đình đứng ra vay vốn, có địa chỉ cụ thể và có cam kết trách nhiệm trả nợ với NHCSXH. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, việc thu hồi nợ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền nợ quá hạn chưa thể thu được hơn 2,7 tỷ đồng/435 hộ.
Nguyên nhân dẫn đến các hộ vay còn nợ quá hạn thì nhiều, nhưng trước hết phải nhìn nhận do công tác tuyên truyền về chủ trương cho vay ở cơ sở chưa được thường xuyên nên nhiều hộ vay hiểu nhầm nghĩa vụ trả nợ là trách nhiệm của bản thân HSSV sau khi ra trường xin được việc làm mới thực hiện trả nợ. Một nguyên nhân nữa là số lượng HSSV học cao đẳng, cao đẳng nghề và trung cấp đang vay vốn của chương trình chiếm khá cao, nhưng khi ra trường những HSSV này rất khó kiếm được việc làm, trong khi đó gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nên khả năng trả nợ cũng rất khó, hoặc có trường hợp đã có việc làm nhưng đến kỳ trả nợ lấy lý do thu nhập thấp để tránh trách nhiệm…
Để Chương trình tín dụng đối với HSSV tiếp tục phát huy hiệu quả cao, theo lãnh đạo NHCSH tỉnh, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay của HSSV, đơn vị sẽ tăng cường vai trò quản lý, giám sát của Ban quản lý các thôn, khu phố, các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, NHCSX đẩy mạnh công tác tuyên tuyền để người vay hiểu rõ việc vay vốn và trách nhiệm trả nợ là của cha, mẹ HSSV. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, hội đoàn thể để xử lý nghiêm những hộ vay quá hạn có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ…, nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, để chương trình được triển khai thuận lợi, chính xác,tạo điều kiện cho HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục học tập tốt hơn.
Nhật Lệ