Tháng Tám về thăm làng Vạn Phước anh hùng

(NTO) Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm làng Vạn Phước (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước), vùng quê đang từng ngày đổi mới, phát triển đi lên...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân Vạn Phước một lòng kiên trung theo Đảng, đứng lên đấu tranh chống giặc và phục vụ kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng vang dội ngày 16-4-1975, giải phóng quê hương Ninh Thuận; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi tại làng Vạn Phước.
Ảnh: B.Thủy

Vạn Phước còn tự hào là cái nôi cách mạng, một trong những nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước. Năm 1928, Trần Thi, một thanh niên yêu nước ở làng Vạn Phước, ngưỡng mộ phong trào Duy Tân đã vận động một số thanh niên địa phương lập ra “Hội Đồng ước” với mục đích bài trừ “ngũ tệ” (rượu, cờ bạc, thuốc phiện, gái điếm, mê tín) và phát huy “ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Đây là một trong những tổ chức thanh niên yêu nước đầu tiên được hình thành tại tỉnh ta, nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong người dân Ninh Thuận. Đến năm 1930 khi phong trào đấu tranh cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước, để đánh dấu sự ra đời của Đảng, sáng ngày 1-5-1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, cùng với Đề-pô xe lửa Tháp Chàm và nhiều nơi khác trong tỉnh, trên ngọn cây đa đình làng Vạn Phước cờ đỏ búa liềm tung bay, trước sự hò reo vui mừng của đông đảo quần chúng nhân dân. Năm 1944, chi bộ Đảng Cộng sản ở làng Vạn Phước được thành lập- là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Phước và là chi bộ thứ 2 của tỉnh nhà. Ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Thi, Mai Mạnh, Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Đối, nhân dân Vạn Phước nói riêng và huyện Ninh Phước nói chung đã đứng lên giành chính quyền.

Phát huy truyền thống của thế hệ cha ông đi trước, nhân dân Vạn Phước hôm nay hăng hái thi đua lao động sản xuất, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày một phá triển. Trò chuyện với chúng tôi về sự thay đổi của quê hương mình, ông Nguyễn Ngọc Thinh, một trong những người cao tuổi của làng Vạn Phước phấn khởi chia sẻ: Dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhân dân phải chịu bao lầm than, cực khổ, sưu cao thuế nặng, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Từ khi đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ…, cùng với sự cần cù, ý chí vươn lên của Nhân dân, đời sống người dân Vạn Phước ngày càng sung túc, ấm no. Hiện nay, thôn có hơn 700 hộ, gần 2.600 nhân khẩu, phần lớn sống dựa vào nông nghiệp. Vốn là địa phương chuyên canh cây lúa, nhưng những năm qua, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sản xuất sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như nho, táo, kết hợp với chăn nuôi dê, cừu, bò, thực hiện mô hình nuôi- trồng khép kín, nâng cao thu nhập. Tổng diện tích cây nho toàn thôn hiện có 17,5 ha, sản lượng trung bình đạt trên 30 tấn/năm; cây táo 18,5 ha, sản lượng trên 830 tấn/năm; tổng đàn gia súc có gần 1.800 con, trong đó dàn dê, cừu gần 1.600 con. Năng suất, lợi nhuận từ cây lúa cũng ngày càng được nâng cao nhờ bà con áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Toàn thôn có 618 ha đất trồng lúa, trong đó có 20 ha áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, năng suất đạt từ 75-80 tạ/ha; diện tích lúa còn lại được bà con áp dụng mô hình gieo cấy thưa giảm đáng kể lượng giống gieo, phân bón và công chăm sóc. Với những mô hình này giúp bà con tăng thêm lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ lúa so với phương pháp sản xuất truyền thống. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện, 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, hầu hết mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy... Nhiều hộ còn tích lũy vốn mạnh dạn mua máy cày, máy gặt đập liên hợp vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa làm dịch vụ cày đất, gặt lúa cho các hộ dân trong vùng, góp phần cơ giới hóa sản xuất, giảm sức lao động, cải thiện thu nhập. Toàn thôn có 22 máy cày lớn nhỏ, 5 máy gặt đập liên hợp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm; số hộ khá, giàu chiếm trên 30%; hộ nghèo còn 4,8%.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân Vạn Phước cùng Nhà nước bê-tông 1.270m đường nội đồng với kinh phí gần 600 triệu đồng; tự nguyện đóng góp, lắp đặt hàng chục bóng đèn chiếu sáng tất cả các trục đường trong thôn; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng, ngõ xóm; bảo đảm ANTT, ATXH, tạo diện mạo vùng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, Vạn Phước đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới; 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa…

Về thăm quê hương Vạn Phước, chúng tôi thật vui được đi trên con đường bê-tông rộng thênh thang, qua những ngôi nhà khang trang, cánh đồng lúa bao la xanh mướt, giàn nho, táo trĩu cành chín mọng… Trong những ngày này, bà con đang rộn ràng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày truyền thống của thôn (ngày 22-8 hằng năm) được tổ chức ngay tại Nhà tưởng niệm đồng chí Trần Thi, nhằm tưởng nhớ đến những người con ưu tú của quê hương; nhắc nhở người dân Vạn Phước, thế thệ trẻ muôn đời sau truyền thống hào hùng của cha ông, giáo dục lòng yêu nước, từ đó thi đua lao động sản xuất, học tập, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.