Cần thiết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện nghiên cứu lập pháp

Qua 7 năm hoạt động, Viện nghiên cứu lập pháp đã có những bước trưởng thành và phát triển nhất định, đóng góp vào thành tựu chung trong hoạt động của Quốc hội nhưng cũng còn một số bất cập, vướng mắc cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện nghiên cứu lập pháp.

Theo ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp (NCLP), qua 7 năm hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức của Viện NCLP dần được củng cố, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được triển khai toàn diện; chất lượng, hiệu quả hoạt động nâng lên qua từng năm. Nhờ đó, Viện NCLP đã nhanh chóng ổn định, dần khẳng định vị trí, vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan giúp việc Quốc hội; có những đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội; từng bước nhận được sự tin tưởng và ghi nhận của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH và đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì thực tế hoạt động của Viện NCLP cũng đã cho thấy những hạn chế, bất cập nhất định, do đó cần phải sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ.

Theo ông Đinh Xuân Thảo, dự thảo Nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung những quy định của Nghị quyết số 614 về chức năng, nhiệm vụ của Viện NCLP. So với Nghị quyết số 614, về hình thức, Dự thảo Nghị quyết giữ nguyên số lượng, trật tự các điều (6 điều) nhưng đặt tên cho từng điều và cấu trúc lại một số điều đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều.

Tại phiên họp này, Viện NCLP xin ý kiến về 3 vấn đề còn ý kiến khác gồm: về cách thức tổ chức và số lượng đơn vị đầu mối thực hiện chức năng nghiên cứu và thông tin khoa học lập pháp; về cách thức tổ chức đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật; về kinh phí, điều kiện bảo đảm hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp (Điều 5)

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc ban hành Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện nghiên cứu lập pháp.

Tại phiên họp, cơ quan thẩm tra đã cho biết ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, về cách thức tổ chức và số lượng đơn vị đầu mối thực hiện chức năng nghiên cứu và thông tin khoa học lập pháp, Ủy ban pháp luật tán thành với cách thức tổ chức 02 Trung tâm như Nghị quyết 614 và có sự điều chỉnh về tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Trung tâm như đã trình bày trong dự thảo Nghị quyết.

Về cách thức tổ chức đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, pháp luật hiện hành giao cho nhiều cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện sáng kiến pháp luật, đó là Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Viện nghiên cứu lập pháp. Ủy ban Pháp luật đề nghị không thành lập thêm tổ chức mà trao quyền cho Viện trưởng để khi có đại biểu Quốc hội trình sáng kiến pháp luật thì Viện trưởng quyết định thành lập Nhóm giúp việc lâm thời hoặc giao cho một số cán bộ, chuyên viên để hỗ trợ đại biểu Quốc hội.

Về kinh phí hoạt động của Viện NCLP, cơ quan thẩm tra cho rằng với tính chất đặc thù trong hoạt động của Viện nghiên cứu lập pháp nên nhất trí với việc cần quy định cơ chế quản lý ngân sách, tài chính phù hợp để bảo đảm cho Viện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công như trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, trên thực tế trong cơ cấu của Viện đang có cả những đơn vị đang hoạt động trên cơ sở có nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp như Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nên cũng cần rà soát lại quy định này để bảo đảm phù hợp với Luật ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trong thời gian tới, UBTVQH sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban công tác đại biểu và Ban dân nguyện. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị sau khi thông qua nghị quyết quy định về các cơ quan thuộc UBTVQH, UBTVQH sẽ ban hành văn bản quy định về chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác làm việc tại các cơ quan này theo quy định tại Điều 100 của Luật tổ chức Quốc hội, bảo đảm phù hợp với vị trí, tính chất của từng cơ quan.

Về cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm, cơ quan thẩm tra thấy rằng, việc giao cho Văn phòng Quốc hội bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Viện cũng cần được xem xét kỹ bởi theo quy định tại Điều 99 của Luật tổ chức Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội chỉ có trách nhiệm tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà không chịu trách nhiệm bảo đảm về cơ sở vật chất cho hoạt động của Viện nghiên cứu lập pháp./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam