Thủ tướng hội kiến tổng thống Bangladesh
Chiều 10-8-2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Bangladesh Abdul Hammit đang có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Abdul Hamid cùng đoàn đại biểu cấp cao Bangladesh có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; bày tỏ vui mừng trước kết quả đạt được trong Hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống cũng như Tuyên bố chung giữa hai nước trong chuyến thăm lần này. “Chuyến thăm Việt Nam thành công tốt đẹp của ngài Tổng thống sẽ là một cột mốc quan trọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Bangladesh lên tầm cao mới, toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của cả hai nước, hai dân tộc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định; đồng thời cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình cùng với Chính phủ Bangladesh triển khai thực hiện hiệu quả những thỏa thuận mà hai bên đạt được trong chuyến thăm này.
Về phần mình, Tổng thống Abdul Hamid bày tỏ vui mừng được sang thăm đất nước Việt Nam và tận mắt chứng kiến những kết quả toàn diện mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời cho rằng Việt Nam và Bangladesh có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, có nhiều điểm tương đồng có thể bổ trợ cho nhau trong quá trình hợp tác và phát triển. “Bangladesh coi Việt Nam là một đất nước rất thân thiện và chúng tôi muốn cùng Việt Nam phát triển” - Tổng thống Abdul Hammit phát biểu.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Abdul Hammit đã cùng trao đổi những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch. Hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 800 USD năm 2014 lên mức 1 tỷ USD vào năm 2016; sớm tổ chức kỳ họp thứ Ba của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ; thiết lập cơ chế tham vấn chính sách giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên cũng nhất trí triển khai thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác về nông nghiệp, ngư nghiệp và chăn nuôi; Bản ghi nhớ về thương mại gạo; sớm ký kết Thỏa thuận về hợp tác du lịch và Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước; đồng thời có các biện pháp cụ thể để tạo thuận lợi cho các hoạt động du lịch và giao thương giữa người dân và doanh nghiệp hai nước.
Tổng thống Abdul Hammit chia sẻ quan ngại sâu sắc của Việt Nam và ASEAN trước về những diễn biến gần đây tại Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tiến tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC). “Bangladesh coi trọng việc duy trì hòa bình và ổn định. Cho rằng các tranh chấp phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình” - Tổng thống Abdul Hammit nói.
Nhân dịp này, Tổng thống Abdul Hamid cũng đã trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Bangladesh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vui vẻ nhận lời, thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp trong thời gian thích hợp qua đường ngoại giao. “Nhân dân Bangladesh rất kính trọng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã tìm được nguồn cảm hứng cho con đường giải phóng đất nước mình từ công cuộc đấu tranh giành độc lập của các bạn. Tôi trân trọng mời ngài Thủ tướng thăm Bangladesh. Lãnh đạo và nhân dân Bangladesh rất mong được đón ngài” - Tổng thống Abdul Hammit nhắc lại lời mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thẩm phán Toà án tối cao Hoa Kỳ
Chiều 10-8-2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thẩm phán Toà án tối cao Hoa kỳ, bà Ruth Bader Ginsburg đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh bà Ruth Bader Ginsburg - vị Thẩm phán Toà án tối cao đầu tiên của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước tiến triển tích cực, thực chất và sâu rộng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ; cho rằng trong 20 năm qua từ ngày bình thường hóa, quan hệ hợp tác giữa hai nước hai bên đã có một bước tiến dài và những kết quả đạt được đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình, phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ nhằm triển khai hiệu quả những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp cũng như xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện ngày càng tốt việc bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người. Việt Nam cũng đang đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp phù hợp với hiến pháp, với truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán của dân tộc cũng như những giá trị phổ quát của nhân loại. Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn cơ quan tòa án của hai nước tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiệu quả, nhất là chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đào tạo trong lĩnh vực tư pháp, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả hợp tác chung giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Bà Ruth Bader Ginsburg đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với mục tiêu xây dựng nền tư pháp vững mạnh, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ tốt công lý và quyền con người. Bà cho biết kết quả những cuộc làm việc với các cơ quan tư pháp của Việt Nam với những thông tin và con số thực tế đã cho thấy Việt Nam có bước tiến rất tích cực trong lĩnh vực này.
Bà Ruth Bader Ginsburg cho biết, Toà án tối cao Hoa Kỳ luôn sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tố tụng cũng như trong việc đào tạo các chức danh về tư pháp. Bà cũng cho biết sắp tới sẽ có nhiều đoàn thẩm phán các cấp của Hoa Kỳ thăm làm việc tại Việt Nam và Tòa án Tối cao cũng như tòa án các cấp của Hoa Kỳ cũng sẵn sàng đón các đồng nghiệp Việt Nam sang làm việc và trao đổi kinh nghiệm.
Văn phòng Chính phủ