Sự sống có thể tồn tại ngoài trái đất không? Đây là câu hỏi thú vị nhưng hóc búa đối với giới khoa học trong nhiều thập kỷ qua.
Ngày 23/7, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo kính thiên văn không gian Kepler phát hiện một hành tinh có kích thước và các điều kiện giống trái đất nhất từ trước tới nay.
Kepler-452b, tên của hành tinh, cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng và có đường kính lớn hơn đường kính của địa cầu khoảng 60%.
Khoảng cách giữa nó và ngôi sao riêng xấp xỉ cự ly giữa trái đất và mặt trời, nghĩa là nước (chất rất cần thiết đối với sự sống) có thể tồn tại trên Kepler-452b ở dạng lỏng.
Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Lệ Hằng nói chuyện với sinh viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội hôm 24/7.
( Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại )
Giới truyền thông và giới yêu thiên văn tỏ ra phấn khởi trước thông báo của NASA, bởi tìm một ngôi nhà mới cho nhân loại vẫn luôn là ước mơ vĩ đại của chúng ta.
Đúng một ngày sau khi NASA công bố thông tin về Kepler-452b, Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Lệ Hằng - người đang làm việc tại Phòng thí nghiệm Lincoln, Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ - thực hiện buổi thuyết trình khoa học mang tên "Cách nhìn mới về hệ Mặt Trời" trước hàng trăm học giả và sinh viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trong buổi thuyết trình, nữ giáo sư - người từng đoạt giải thưởng tương đương "Nobel Thiên văn" - đã chia sẻ quan điểm cá nhân về khả năng tìm thấy hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống bên ngoài Thái Dương Hệ. Theo bà, vũ trụ rất bao la với hàng nghìn tỷ thiên hà. Chỉ riêng dải Ngân Hà đã có khoảng 100 tỷ hành tinh.
"Do số lượng hành tinh trong vũ trụ cực lớn nên khả năng loài người phát hiện hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống khá cao. Tuy nhiên, tôi chỉ không biết chúng ta có thể xác nhận sự tồn tại của những hành tinh đó bằng cách nào", cựu giảng viên Đại học Harvard lập luận.
Tiến sĩ Lưu Lệ Hằng chỉ là một trong số nhiều nhà thiên văn duy nhất tin vào sự tồn tại của hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời. Ông Charles Bolden, giám đốc NASA, cũng tin rằng sự sống có thể tồn tại ngoài địa cầu. Khi nói chuyện với một số học sinh Anh trong chương trình Hotseat của Sky News hôm 18/6, ông dự đoán các nhà khoa học sẽ tìm ra sự sống trong vũ trụ.
“Tôi tin rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phát hiện một dạng sống trong vũ trụ. Nếu dạng sống ấy không tồn tại trong hệ Mặt Trời, chúng có thể tồn tại trong các hệ sao khác. Hàng tỷ hệ sao đang tồn tại trong không gian”, ông nói.
Ông Bolden nói thêm rằng, ngày nay, giới thiên văn phát hiện hàng nghìn, thậm chí hàng triệu, hành tinh bên ngoài Thái Dương hệ. Nhiều hành tinh có kích thước, cấu tạo như trái đất. Vì thế, nhiều người tin rằng chúng ta sẽ tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của sự sống ở đâu đó trong vũ trụ.
Nữ bác học gốc Việt được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ mặt trời, là người đồng khám phá ra vành đai Kuiper - đã có một hành trình đến với vinh quang đầy thú vị.
Frank de Winne, phi hành gia châu Âu đầu tiên từng chỉ huy Trạm Không gian Quốc tế (ISS), tin rằng trái đất không phải là nơi duy nhất có sự sống. Theo ông, cách đây khoảng 500 hoặc 600 năm, mọi người đều nghĩ trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi ngôi sao, hành tinh khác xoay quanh trái đất.
“Nhưng ngày nay chúng ta đều biết điều đó không đúng và trái đất chỉ là một phần tử cực kỳ nhỏ trong không gian bao la. Vũ trụ bao gồm hàng tỷ thiên hà và mỗi thiên hà lại có hàng tỷ ngôi sao.
Giờ đây cứ mỗi ngày chúng ta phát hiện từ 3 tới 5 hành tinh mới. Tôi là người có tư tưởng cởi mở. Vì thế tôi tin loài người không hề đơn độc trong vũ trụ”, ông Winne giải thích trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 12/3/2012.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại