1. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 48 (AMM 48) ở Malaysia, vấn đề Biển Đông được quan tâm bàn thảo. Hội nghị đã thảo luận sâu rộng các vấn đề về Biển Đông và tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở khu vực này. Hội nghị ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Hội nghị khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các bên trong việc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ các điều khoản củaTuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC): Xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế đối với các hành động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
2. Theo báo cáo của LHQ, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% là do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Những tác động từ biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ 20 tăng 0,55°C và dự báo sẽ tiếp tục tăng 2-5°C trong thế kỷ 21, gây ra những hậu quả rất nặng nề cho con người và môi trường.
Biến đổi khí hậu đang tác động rõ rệt đến cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt đối với các nước nằm ven biển. Liên quan đến Biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định: “Không phải khủng bố hay kinh tế suy thoái mà chính biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ” khi ông công bố bản Kế hoạch năng lượng sạch đầy tham vọng, với mục tiêu giảm sự lệ thuộc của Mỹ vào điện đốt than và hướng tới nguồn năng lượng tái tạo. Giải pháp của người đứng đầu nước Mỹ là hạn chế khí thải carbon, với mục tiêu trong 15 năm tới, Mỹ sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính từ các nhà máy nhiệt điện xuống còn 1/3 so với mức của năm 2005.
Theo kế hoạch, Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu các bang đáp ứng những tiêu chuẩn cắt giảm khí thải carbon dựa trên mức tiêu thụ năng lượng của từng bang. Kế hoạch cũng bao gồm một chương trình khuyến khích các bang phát triển năng lượng tái tạo và và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng ở các khu dân cư thu nhập thấp.
3. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ J.Kerry vừa kết thúc chuyến công du Trung Đông. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Mỹ và các cường quốc đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran. Thỏa thuận lịch sử này giúp Tổng thống Mỹ B.Obama ghi dấu ấn đối ngoại, song lại chưa làm hài lòng các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Nhiều nước lo ngại sẽ tạo lỗ hổng để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và giúp Teheran mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Bởi thế, nhiệm vụ quan trọng của Ngoại trưởng J.Kerry là trấn an các đồng minh.
Ông Kerry thảo luận với người đồng cấp Ai Cập và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) hàng loạt vấn đề nóng, từ hợp tác quân sự; tăng cường trao đổi thông tin tình báo, cuộc chiến chống IS… và khẳng định thỏa thuận hạt nhân mới được thực thi sẽ giúp các nước trong khu vực Trung Đông an toàn hơn. Dù còn không ít hoài nghi, Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ các nước đồng minh.
Trước hàng loạt những việc cần phải làm trước khi kết thúc nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ B.Obama đã xúc tiến hàng loạt các động thái ngoại giao, trong đó đề cao việc củng cố quan hệ với các đồng minh chiến lược ở Trung Đông. Dù trãi qua không ít thăng trầm và khó tránh khỏi những rạn nứt, song các chính sách đối ngoại của Mỹ cho thấy, các đồng minh ở Trung Đông luôn chiếm vị trí quan trọng trong “bản đồ lợi ích” của Mỹ.
PV