Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do giá cả một số mặt hàng như: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32%, trong đó lương thực tăng 0,26% chủ yếu là lương thực chế biến; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08%; do thời tiết nắng nóng, lượng tiêu thụ điện tăng cao đã làm cho giá điện tăng 2,03%. Nhóm giao thông tăng 0,13%, chủ yếu ở mặt hàng xăng và dịch vụ giao thông công cộng tăng; nhóm giáo dục tăng 0,02% chủ yếu một số đồ dùng, dụng cụ học sinh tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08% do một số đồ dùng cá nhân tăng 0,35% so với tháng trước.
Người dân mua sắm hàng tiêu dùng tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Cũng trong tháng 7, chỉ số giá vàng giảm mạnh, với mức giảm 1,82%, ngược lại chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,06% so với tháng trước.
Giá cả hàng hóa chỉ tăng nhẹ ở nhiều mặt hàng đã tạo điều kiện tăng sức mua trên thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trong tháng đạt trên 1.146,7 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm đạt trên 7.938,7 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ. Trong số này, lĩnh vực thương nghiệp chiếm 80,5%; khách sạn-nhà hàng chiếm 13,2%; dịch vụ chiếm 6,27%.
Qua phân tích cho thấy, tổng mức bán ra của tất cả các thành phần kinh tế đều có xu hướng tăng lên, đặc biệt là khu vực tư nhân và cá thể do nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng. Hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại và giá cả tương đối ổn định. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại tổ chức các hình thức bán hàng khuyến mãi khá phong phú trong dịp hè nhằm kích cầu tiêu dùng… nên đã thu hút lượng khách hàng đáng kể. Bên cạnh đó là tháng hè, những điểm du lịch biển của tỉnh thu hút được một lượng khá lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, nghỉ dưỡng cũng tác động làm doanh thu hoạt động khách sạn-nhà hàng (đặc biệt là doanh thu hoạt động ăn uống) tăng lên so với cùng kỳ.
Hạ Huyền