Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi

(NTO) Nhằm giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (NHCSXH tỉnh) phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp triển khai tốt chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đến cuối năm 2014, có 11 chương trình tín dụng chính sách đã được NHCSXH tỉnh triển khai cho vay, với dư nợ hơn 1.231 tỷ đồng, với trên 73.000 hộ gia đình vay/91.708 món vay. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 
Ban Đại diện – Hội đồng Quản trị tỉnh giám sát hoạt động vay vốn tại xã Phước Hòa (Bác Ái).

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc NHCSXH tỉnh chia sẻ: Tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh là một trong những mục tiêu được NHCSXH tỉnh tích cực thực hiện. Để tránh tình trạng bà con sử dụng vốn sai mục đích, chúng tôi luôn chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ban đại diện – Hội đồng quản trị các huyện phối hợp Ban giảm nghèo các xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện công tác bình xét đối tượng chính xác, trên cơ sở công khai, dân chủ, có sự bàn bạc thống nhất từ Ban quản lý thôn và sự tham gia của Nhân dân. Khi nguồn vốn đã đến tay người dân, Ban giảm nghèo các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để các hộ nghèo mạnh dạn đầu tư đồng vốn một cách hiệu quả nhất.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 tổ chức Hội đang nhận ủy thác vay vốn từ NHCSXH tỉnh, đó là: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ. Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp điều hành, đến cuối tháng 6-2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình ủy thác đối với 4 tổ chức hội này đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 79 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nhiều nhất là Hội Phụ nữ có 853 tổ/37.449 hộ được vay, với tổng dư nợ 683,1 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 52%); Hội Nông dân có 439 tổ/18.238 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 327 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 25%); Đoàn Thanh niên có 246 tổ/9.990 hộ vay, với dư nợ 166,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 13%) và Hội Cựu chiến binh 190 tổ/7.328 hộ vay, với dư nợ trên 129,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 10%) .

 
Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh, nhiều hộ gia đình đầu tư làm ăn hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể ở địa phương.
Trong ảnh: Chị Ka-tơ Thị Nhung (phải), ở thôn Chà Panh (xã Phước Hòa, Bác Ái) đang chăm sóc rẫy bắp của mình.

Không chỉ tăng cường “bơm vốn”, giải quyết các thủ tục, hồ sơ nhanh, gọn, giúp bà con có nguồn vốn vay kịp thời, việc quản lý, thu hồi lãi và nợ gốc đến kỳ hạn cũng luôn được NHCSXH tỉnh kiểm soát chặt chẽ. Trong 6 tháng qua, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời tiến hành kiểm tra được 9 lượt huyện, 124 xã, 124 điểm giao dịch và 504 tổ tiết kiệm vay vốn. Qua đánh giá chất lượng hoạt động cho thấy, hiện có 950 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tốt, đạt 55% (tăng 344 tổ so với quý I); tổ khá là 643 tổ, chiếm 37%; tổ trung bình 71 tổ, chiếm 4,1% (giảm 62 tổ so với quý I); tổ yếu là 62 tổ chiếm 3,6% (giảm 32 tổ so với quý I). Nhờ đó, đến cuối tháng 6, nợ quá hạn trong toàn hệ thống giảm so với quý I là 324 triệu đồng.

Hiện nay, do tình hình hạn hán kéo dài đã làm thiệt hại vốn đầu tư và giảm sút thu nhập của người dân, một bộ phận hộ dân bị rơi vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để NHCSXH tỉnh có thể cho vay tái đầu tư đối với các hộ này, hiện Ban Đại diện - Hội đồng Quản trị các địa phương đang chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hàng tháng tổ chức thực hiện việc rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo theo điểm 2, Điều 6, Thông tư số 24/2014/TT-BLĐTBXH ngày 6-9-2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm, NHCSXH tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tham mưu cho cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản... Phấn đấu đến cuối năm đưa tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16%; doanh số thu nợ đạt 25%; thu lãi cả năm đạt trên 98%; giảm tỷ lệ nợ quá hạn cả năm dưới 0,6%.