Ngay sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ủy quyền cho Hiệp hội nho Ninh Thuận (HHN) tiếp nhận, quản ký và phát triển Chỉ dẫn địa lý. Trong 3 năm qua, HHN đã triển khai một số công việc, tạo bước phát triển mới cho nghề trồng nho ở tỉnh ta. Nổi lên là HHN đã tham mưu với Sở KH&CN ban hành quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì, quản lý chất lượng đúng theo quy định. Tính đến nay, đã cấp gần 50.000 tem, nhãn, bao bì cho 6 cơ sở sản xuất và chế biến nho, gồm: Cơ sở sản xuất rượu, mật nho Mỹ Hòa, Thiên Thảo; Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, Lan Anh; Cơ sở chế biến các sản phẩm từ nho Trí Hiệp; Doanh nghiệp tư nhân SX TM&DV Ba Mọi. Hoạt động của HHN đã có tác dụng nâng cao giá trị gia tăng, đơn cử như nho Ba Mọi đã bán được giá cao hơn từ 1 đến 1,5 lần so với trước khi dán nhãn.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận canh tác theo quy trình vietGap, nho Ba Mọi đã khẳng định được vị thế trên thị trường.
Cùng với đó, HHN cũng đã triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường, nhờ đó sản phẩm nho nhanh chóng có mặt ở các tỉnh, thành trên cả nước. Tháng 4–2014, tại thủ đô Hà Nội, HHN tổ chức Hội nghị giới thiệu và quảng bá sản phẩm nho mang “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận”. Qua đó, đã ký kết ghi nhớ hợp tác kinh doanh các sản phẩm nho với 9 doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội; đồng thời, hợp đồng đại diện phân phối với chuỗi cửa hàng Bác Tôm. Tại TP. Hồ Chí Minh, HHN tập trung phát triển thị trường, tổ chức tiếp cận với chợ đầu mối Thủ Đức và đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh cho sản phẩm nho. Đồng chí Nguyễn Văn Luông, Trưởng phòng Thương mại-Sở Công Thương, nhìn nhận: Chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho chuỗi giá trị nho được triển khai trong thời gian qua đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đã tìm được đầu ra và tiếp cận với 100 cơ quan, doanh nghiệp, chợ đầu mối, siêu thị tại các tỉnh, thành phố; bước đầu kết nối với hệ thống kênh phân phối ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Điển hình là Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, Trang trại Quang Ninh, Doanh nghiệp tư nhân SX TM&DV Ba Mọi, HTX Thái Thuận đã ký được hợp đồng cung cấp nho cho cửa hàng Bác Tôm, cửa hàng Trần Trọng Trung, cửa hàng Quý Ngư (Hà Nội)… là những kênh phân phối rất uy tín hiện nay, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Đây thực sự là tín hiệu khả quan cho sản phẩm nho Ninh Thuận.
Tuy vậy, theo ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch HHN, việc khai thác và sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho thời gian qua vẫn chưa đem lại sự thay đổi đáng kể cho mặt hàng nông sản đặc thù này. Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn trồng nho theo phương pháp truyền thống, nhiều hội viên của HHN tuy đã được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng vẫn không thực hiện, hoặc không tham gia vào các nhóm liên kết sản xuất nho an toàn, nằm ngoài chương trình phát triển và quản lý Chỉ dẫn địa lý của HHN. Cũng theo ông Đỗ Trung Thu, để khai thác hết giá trị Chỉ dẫn địa lý, thời gian tới, HHN tiếp tục xây dựng hệ thống theo dõi quá trình vận hành, quản lý, quy định sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm; theo dõi chất lượng, thị trường sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý. Kiểm soát hiện trạng canh tác của hội viên tuân thủ quy trình kỹ thuật từ việc thu hoạch, phân loại sản phẩm, đóng gói, in ấn tem, nhãn. Tiếp tục xây dựng và triển khai phương án xúc tiến thương mại, phối hợp với một số hệ thống siêu thị, các kênh bán lẻ tiên tiến, các chợ đầu mối tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm nho vào tiêu thụ trong các hệ thống phân phối này. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX nho xanh Xuân Hải (Ninh Hải), HTX sản xuất và kinh doanh nho VietGAP Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trong công tác quản lý, điều hành, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, thu hoạch và tiếp cận thị trường…
Anh Tùng