Nhằm tìm hiểu thực tế đời sống và hoạt động của bà con ngư dân, Chủ tịch nước đã tới thăm và nói chuyện với bà con ngư dân tại cảng cá xa bờ Cát Lở. Đây là cảng lớn với 3 cầu cảng lớn, phù hợp cho tàu thuyền có trọng tải hơn 4.500 tấn cập cảng.
Trao đổi với bà con ngư dân, Chủ tịch nước cho rằng ngư trường Bà Rịa- Vũng Tàu rất lớn, có tiềm năng nâng cao sản lượng nhưng cần tính đến việc khai thác theo kế hoạch, tránh tận thu. Đặc biệt, việc đánh bắt cá xa bờ cần tuân luật pháp trong nước cũng như chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế trên vùng biển.
Chủ tịch nước tặng quà cho bà con ngư dân tại cảng cá xa bờ Cát Lở. Ảnh: vov.vn
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện và quan tâm đến bà con hoạt động trên biển, trao đổi với các nước giải quyết các vùng chồng lấn để bà con yên tâm đánh bắt, bám biển dài ngày.
Ghi nhận những kiến nghị của bà con về vướng mắc của Nghị định 67, Chủ tịch nước cho rằng Chính phủ đã và đang tiếp thu nghiên cứu sửa đổi nhằm đáp ứng 2 nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển là phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tiếp đó, Chủ tịch nước đã đến thăm Công ty TNHH Vietubes - doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam với Nhật Bản và Na Uy, chuyên gia công các loại đường ống dẫn cho ngành dầu khí dây chuyền sản xuất ống dẫn cho ngành dầu khí.
Chủ tịch nước lưu ý, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp cần có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công.
Thực tế đòi hỏi các bộ, ngành địa phương phải tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các ngành công nghiệp dịch vụ, phụ trợ theo hướng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có sự phân công lao động ở từng công đoạn.
Các doanh nghiệp nội cần dựa vào điều kiện đặc thù, chuyên biệt để phát triển. Vietubes là doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế, có sản phẩm nhận được chứng chỉ chất lượng của các tổ chức quốc tế. Bởi vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước tham gia nền sản xuất hội nhập sâu, Vietubes cần cố gắng vươn lên, đi tiên phong để hỗ trợ các đơn vị nhỏ.
Chủ tịch nước thăm nhà máy cán thép Vina Kyoei. Ảnh: vov.vn
Chiều 24-7, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, hiện đã thu hút được các nhà đầu tư công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản.
Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới Khu công nghiệp cần tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, máy vận tải, xây dựng.
Tới thăm Công ty thép Vina Kyoei, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước thành công của dự án sau gần 21 năm hoạt động đã không ngừng phát triển, trong đó có công lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Chủ tịch nước cho rằng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã ký nhiều văn bản hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Với sự trợ giúp của Nhật Bản - một quốc gia có công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, trong tương lai gần, công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo máy sẽ có bước phát triển.
Chủ tịch nước tin tưởng Công ty Vina Kyoei với vai trò là đối tác hợp tác sâu rộng, sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả với dự án vừa được khánh thành; đồng thời nhanh chóng đưa dự án mở rộng giai đoạn 3 vào hoạt động; hình thành chuỗi dự án công nghiệp - dịch vụ kết nối TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, đem lại khởi sắc cho kinh tế vùng.
Nguồn www.chinhphu.vn