Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 25 -7

* Sự kiện:

- Ngày 25-7-1922: “Bức thư ngỏ” của Nguyễn Ái Quốc gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut được công bố trên báo “L’Humanité”(Nhân Đạo). Bằng một lối văn hài hước, bức thư đả kích những chính sách của thực dân Pháp cùng sự kiểm soát hà khắc đối với những người Việt Nam sống tại Pháp, chế giễu những biện pháp theo dõi của mật thám Pháp bằng lời thách thức: “Nếu ngài nhất thiết cần biết hằng ngày chúng tôi làm gì thì dễ thôi... Thời khóa biểu của tôi rất đơn giản và hầu như cố định: Sáng từ 8 đến 12 giờ ở xưởng máy. Chiều: ở phòng báo chí (dĩ nhiên, là báo của phái tả) hoặc ở thư viện. Tối: ở nhà riêng, hoặc dự những buổi nói chuyện bổ ích. Chủ nhật: thăm nhà bảo tàng hay những nơi bổ ích khác”.

- Ngày 25-7-1938: Xuất bản tác phẩm "Vấn đề dân cày" của các đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm được ký bằng bút danh Qua Ninh và Vân Đình, phát hành tại Hà Nội. Vận dụng lý luận của nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng và thực tiễn khảo sát đời sống nông thôn, các tác giả đặt vấn đề nghiên cứu thực trạng nông thôn Việt Nam dưới ách áp bức thực dân và phong kiến, đề cập đến vấn đề ruộng đất và dân cày. Tác phẩm phê phán quan điểm sai lầm đối với dân cày và vạch rõ vị trí của người dân cày trong cách mạng Việt Nam. Cuốn sách lên tiếng tố cáo chính sách phản động của đế quốc phong kiến về ruộng đất, tô thuế, nạn vay lãi nặng... và nêu lên yêu sách của dân cày Đông Dương trước Mặt trận nhân dân Pháp.

- Ngày 25-7-1945: Từ Chiến khu Việt Bắc, thông qua viên chỉ huy đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS A.Thomas, lãnh tụ Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp đối với Chính phủ Pháp về nền độc lập của nhân dân Việt Nam sau khi đánh đổ phát-xít Nhật ở Đông Dương, gồm 5 điểm: xây dựng một nghị viện hỗn hợp Pháp-Việt trong quá trình hướng đến một nền độc lập hoàn toàn; quá trình đó xác định khoảng 5 năm và tối đa 10 năm; các nguồn lợi thiên nhiên phải được trả lại cho nhân dân; Việt Nam được hưởng mọi quyền tự do mà Liên hiệp quốc đã ban bố; cấm chỉ việc bán thuốc phiện.

- Ngày 25-7-1948: Chiến thắng Phủ Thông - Bắc Kạn.Thực dân Pháp có mưu đồ lấy đồn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn - một vị trí chiến lược quan trọng làm bàn đạp để triển khai quân ra các khu vực xung quanh nhằm đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta. Ngày 25-7-1948, tiểu đoàn 11, Bộ chỉ huy khu 3 tấn công đồn Phủ Thông. Đây là một trong những trận đánh làm rung chuyển hệ thống đồn bốt của Pháp, đánh mạnh vào âm mưu lập hệ thống đồn bốt để bình định vùng chiếm đóng của địch tại Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Chiến thắng Phủ Thông là trận đánh đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng Phủ Thông đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm, có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên con đường đánh công kiên, đặc biệt là trong Chiến dịch giải phóng biên giới và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ…”.

- Ngày 25-7-1958: Bác Hồ gửi thư thăm hỏi anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Người mong các anh em thương binh, bệnh binh tùy khả năng của mình, hăng hái tham gia sản xuất trong các tổ đổi công và hợp tác xã. Người đề nghị đồng bào các nơi sẵn sàng giúp đỡ anh em và gia đình liệt sĩ trong sản xuất và nhắc nhở các cơ quan, đoàn thể “phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ”. Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện công tác chính sách và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công.

- Ngày 25-7-1990: Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị 63-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản”. Đây là văn kiện quan trọng đầu tiên nêu rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí; đồng thời xác định các công việc mà Đảng, Nhà nước cần thực hiện để lãnh đạo, quản lý báo chí; trách nhiệm của cơ quan chủ quản; trách nhiệm, quyền hạn của người phụ trách cơ quan báo chí và việc thành lập các tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí.

- Ngày 25-7-2000: Khánh thành Công trình xây dựng nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gồm khu điều trị 6 tầng, khu trung tâm kỹ thuật 4 tầng, khu cơ khí 1 tầng, cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ cho 480 giường bệnh, trong đó có 6 phòng mổ, 3 phòng đẻ và nhiều khoa phòng khác được trang bị hiện đại, đồng bộ với đội ngũ thày thuốc dày dạn kinh nghiệm và cơ sở vật chất khác đưa Bệnh viện Bạch Mai xứng đáng là trung tâm kỹ thuật cao ở phía Bắc và cả nước. Công trình nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai do Chính phủ Nhật Bản viện trợ tượng trưng cho mối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam- Nhật Bản ngày một tốt đẹp.

Theo TTXVN