Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng, tính đến ngày 20/7 toàn tỉnh vẫn còn đến trên 8.900 hộ với hơn 43.930 nhân khẩu cần hỗ trợ nước sinh hoạt, trong đó có trên 5.790 hộ với gần 25.160 nhân khẩu tại 29 thôn/11 xã của 5 huyện phải được vận chuyển nước đến cấp trực tiếp hàng ngày, ngoại trừ huyện Ninh Phước và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Không những vậy, hạn hán còn làm thiệt hại quá nặng nề về sản xuất của hàng ngàn nông hộ. Theo thống kê chưa đầy đủ, qua 2 vụ đông-xuân và hè-thu tổng thiệt hại đã lên đến trên 530 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là vụ hè-thu thiệt hại trên 330 tỷ đồng. Về chăn nuôi, ngoài số gia súc bị chết do suy dinh dưỡng vì thiếu thức ăn và ngộ độc với gần 2.250 con, chủ yếu là dê, cừu; số thiệt hại gián tiếp như thiếu thức ăn, nước uống... đã làm hạn chế sinh trưởng so điều kiện bình thường... làm thất thu cho người chăn nuôi không dưới 528 tỷ đồng. Trong số này, đối với trâu, bò thiệt hại trên, dưới 294 tỷ đồng, còn lại là thiệt hại của đàn dê, cừu...
Nông dân xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) trồng cỏ bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo dự báo, nắng hạn vẫn còn tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chí ít là phải hết vụ hè-thu này tình hình mới khả dĩ được cải thiện ít nhiều nếu có mưa như dự báo. Cho nên vấn đề đặt ra là cần phải “sống chung” với hạn bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp từng vùng để hạn chế thiệt hại. Theo các chuyên gia, để làm được cần chú trọng đến các giải pháp như: về thủy lợi cần phát triển hồ chứa lớn, liên thông các hồ để giữ nước... Được biết, giải pháp này hiện đã được Trung ương “chi viện” cho tỉnh bằng tái khởi động xây dựng hồ Tân Mỹ, trước mắt là làm đập dâng để ngăn nước; thứ hai là chuyển đổi đất lúa sang cây trồng ít sử dụng nước để giảm lượng nước tiêu hao không cân thiết. Về giải pháp này nhiều địa phương đã và đang thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Cụ thể là trong 2 vụ đông- xuân và hè- thu 2015 tổng diện tích chuyển đổi cây trồng gần 1.300ha, trong đó vụ đông- xuân đã chuyển đổi từ đất lúa 1 vụ do thiếu nguồn nước sang cây trồng phù hợp 100ha và chuyển 165ha đất trồng màu sang trồng cỏ, đậu xanh, dưa hấu có khả năng chịu hạn và tiết kiệm được nước tưới, tạo thu nhập trong điều kiện hạn hán. Đối với vụ hè -thu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi, bố trí một số cây trồng theo hướng giảm lượng nước tưới, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Theo đó, đã thực hiện chuyển đổi 1.034ha, trong đó, chuyển từ đất trồng lúa là 389ha để bố trí gieo trồng bắp lai 277ha, cỏ chăn nuôi 50ha, đậu xanh 55ha và 7 dưa hấu. Ngoài ra còn ”phụ trợ” bằng hình thức lắp đặt trạm bơm phục vụ bơm tưới vùng trồng màu 645ha sang trồng bắp lai 600ha có thời kỳ sinh trưởng ngắn, tạo sinh khối nhanh và trồng cỏ 45ha vừa để tận dụng làm cây thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn...Theo tính toán hiệu quả, nếu trồng lúa chỉ đạt lợi nhuận trên 8 triệu đồng/ha, trong khi đó nếu chuyển trồng bắp sẽ lãi không dưới 21 triệu đồng/ha hay trồng cỏ sẽ lãi 22 triệu đồng/ha. Tất nhiên để đạt được điều đó yếu tố cũng không kém phần quan trọng là phải ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào đồng ruộng gắn với tìm thị trường cho đầu ra sản phẩm để đạt giá trị cây trồng chuyển đổi phải bằng hoặc cao hơn so với cây trồng cũ. Được biết, nếu trồng cỏ hay bắp lai từ chân ruộng lúa nước sẽ giảm từ 55 đến 65% lượng nước so với trồng lúa!.
Suy cho cùng, để “sống chung” với hạn, giảm thiệt hại cho nông hộ cần thực hiện nhiều giải pháp khác nữa như đào ao, tìm nguồn nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt bố trí gieo trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng để có thể tạo sinh khối nhanh làm thức ăn cho đàn gia súc, nhằm hạn chế tình trạng gia súc thiếu nước uống, thức ăn dẫn đến suy dinh dưỡng...Vấn đề quan trọng vẫn là cần có quyết tâm thực hiện từ ngành chức năng, lãnh đạo địa phương và chính người sản xuất-đối tượng trực tiếp chịu hậu quả của biến đổi khí hậu.
Hạ Huyền