Vấn đề hôm nay:

Chống hàng giả- cần phối hợp đồng bộ!

(NTO) Có thể nói, hiện nay hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm… bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là ở trung tâm các đô thị, thậm chí tại các phiên chợ hàng Việt thực hiện theo Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng bị “độn” hàng giả, hàng kém phẩm chất để thu lợi qua đánh lừa người tiêu dùng!.

Theo cơ quan chức năng cho biết, hiện có hàng nghìn loại hàng hóa đã và đang bị làm giả, trong đó khoảng 30 ngành hàng bị làm giả nghiêm trọng như quần áo, mỹ phẩm, túi xách của các hãng nổi tiếng; thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng; mặt hàng thực phẩm tiêu dùng… và cả đến “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả!. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý của lực lượng chức năng; cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả cũng tỏ ra “thờ ơ” với chính sản phẩm bị làm giả của mình, thậm chí ngại thông tin cho người tiêu dùng biết, bởi một lẽ là sợ ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm!.

Người tiêu dùng chọn mua hàng điện máy tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

"Vấn nạn" hàng giả, hàng kém chất lượng…không những đã và đang trở thành thực trạng nhức nhối của toàn xã hội, mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Đáng nói là trong thời kỳ hội nhập, thực trạng này tất yếu sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vấn đề đặt ra là, bao giờ hàng giả không còn “đất sống” trên thị trường?. Và đâu sẽ là giải pháp để các cơ quan chức năng xử lý “vấn nạn” này?. Theo chúng tôi, để việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng… có hiệu quả, các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Mặt khác, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội cũng phải vào cuộc để giúp người dân hiểu rõ tác hại cũng như nhận biết hàng thật, hàng kém chất lượng, qua đó “tẩy chay” không tiêu thụ, tiếp tay cho các hành vi vi phạm, đồng thời chủ động thông tin, tố cáo với các cơ quan chức năng về vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng…Bên cạnh đó, cần có sự chủ động, tích cực vào cuộc của chính các doanh nghiệp. Ngoài ra, điều cũng hết sức quan trọng trong việc phòng chống hàng giả là bản thân người tiêu dùng phải là những “chiến sĩ” trên mặt trận này, hãy là những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những sản phẩm tốt, có thương hiệu, uy tín. Người dân cũng nên nắm vững luật pháp, hiểu rõ quyền lợi mà mình được hưởng, để bảo vệ lợi ích của chính mình…

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) vừa có Công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ ngày 15 -7 đến 15 -10- 2015, Theo đó giao trách nhiệm cho các ngành chức năng, liên quan như lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên thị trường; chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa trong khâu lưu thông, phát hiện, xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại,...Giao thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các đơn vị phải chủ động, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của địa phương, bộ, ngành mình; có biện pháp kiên quyết để xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chuyển giá, trốn thuế xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu cực….

Suy cho cùng, nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực của người dân… thì cơ quan quản lý mới làm tốt được vai trò bảo vệ người dân, người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Công điện nói trên.