1. “Một thỏa thuận lịch sử” – đó là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông ngày 14-7. Ngày này đã đi vào lịch sử khi Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận toàn diện, chấm dứt 13 năm tranh cãi về chương trình hạt nhân của Teheran-một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ lịch sử đương đại.
Với thỏa thuận này, Iran chấp nhận phá hủy 2/3 trong tổng số 19.000 máy ly tâm tinh luyện uranium trong vòng 10 năm và duy trì lượng uranium để tinh chế ở dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử. Chương trình hạt nhân của Iran sẽ bị khống chế ở mức chỉ vừa đủ để phục vụ mục đích dân sự. Đổi lại, các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào quốc gia Trung Đông này sẽ sớm được dỡ bỏ, trong đó quan trọng nhất là Iran sẽ được xuất khẩu dầu mỏ với dung lượng tùy ý. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí vẫn có hiệu lực, Theo đó, Iran tiếp tục bị cấm mua bán vũ khí trong 5 năm tới, riêng với tên lửa đạn đạo thì trong 8 năm nữa.
Cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng hoan nghênh và bày tỏ rất nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận lịch sử mới đạt được này vì những lợi ích về an ninh và kinh tế mà nó mang lại.
2. Các chủ nợ thuộc liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải triển khai thêm các khoản cứu trợ tài chính lớn hơn cho Hy Lạp để nước này có thể ổn định tình hình tài chính trong nước. Nhận định này của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra sau 1 ngày khi Hy Lạp đã thỏa thuận với lãnh đạo các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) về gói cứu trợ cho Athens tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra vào ngày 13-7 vừa rồi.
IMF đánh giá cơ cấu nợ của Hy Lạp là “không bền vững” và quốc gia này cần nhiều hơn khoản tiền cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ euro (94,6 tỷ USD) vừa đạt được với các nhà lãnh đạo Eurozone để có thể duy trì nền kinh tế ổn định.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras một mặt phê phán sức ép của các chủ nợ quốc tế với Athens, song khẳng định thỏa thuận với các đối tác Eurozone sẽ giúp Hy Lạp ở lại trong Eurozone và thỏa thuận này cần phải được thực thi.
Quyết định của Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu tán đồng dự luật về những biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 hôm 16-7 đã thổi bùng sự giận dữ trong dân chúng. Nhiều người chống lại gói cứu trợ, muốn rời Eurozone hơn là chấp nhận một loạt các biện pháp cải cách “khó có thể nuốt trôi” về thuế và hệ thống lương hưu.
3. Với thế áp đảo, liên minh cầm quyền gồm 2 đảng Dân chủ tự do LDP và đảng Công minh đã dễ dàng thông qua dự luật an ninh mới trong phiên họp toàn thể của Hạ viện Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng phức tạp. Dự luật này hết sức quan trọng vì nó giúp bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân Nhật Bản và ngăn ngừa các cuộc xung đột từ khi chúng chưa diễn ra.
Dự luật an ninh mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động và được quyền tham gia hỗ trợ các nước thân thuộc trong các cuộc xung kích có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật Bản-đây được xem là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách an ninh Nhật Bản hậu chiến tranh thế giới thứ 2.
PV