Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập Tòa án nhân dân một số huyện, thị xã thuộc tỉnh; Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp lãnh đạo, quản lý; bổ sung biên chế, chế độ tiền lương và phụ cấp của chức danh pháp lý; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục của Viện kiểm sát nhân dân; việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân ở một số đơn vị hành chính cấp huyện vừa được chia tách, thành lập mới.
Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Thẩm tra các Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết phải ban hành các Nghị quyết của UBTVQH để bảo đảm thực hiện những quy định mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014, Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức VKSND. Tuy nhiên, hồ sơ một số Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC còn chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc tổng kết thực tiễn thi hành còn thiếu toàn diện; chưa xem xét cân đối tổng thể với các chế độ, chính sách đối với các chức danh của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị nên nhiều đề nghị chưa thuyết phục; có Tờ trình còn chưa đủ điều kiện để trình UBTVQH theo quy định của Luật.
Cụ thể, về chế độ phụ cấp đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân, theo Tờ trình, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị tăng hệ số phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo đã được quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH (Nghị quyết số 730); bổ sung chế độ phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo tại VKSND cấp cao, lãnh đạo cấp phòng tại VKSND cấp huyện và Ủy viên Ủy ban kiểm sát.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, chế độ phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại VKSNDTC theo quy định tại Nghị quyết số 730 là đang phù hợp và thống nhất với chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị, có xem xét đến tính chất đặc thù của VKSND. Hiện nay, hệ số phụ cấp đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị vẫn chưa thay đổi. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại Nghị quyết số 730 cho đến khi có quy định về cải cách tổng thể chế độ lương của toàn hệ thống chính trị...
Về chế độ tiền lương và phụ cấp đặc thù đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân, theo Tờ trình, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị giữ nguyên bảng lương đối với các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp và các ngạch Kiểm tra viên, Điều tra viên như quy định tại Nghị quyết số 730; bảng lương của Kiểm sát viên cao cấp thực hiện theo Nghị quyết số 82/2014/QH13 của Quốc hội tương ứng với bảng lương của Kiểm sát viên VKSNDTC quy định tại Nghị quyết số 730. Bổ sung quy định về bảng lương mới của Kiểm sát viên VKSNDTC, theo đó có 02 bậc, hệ số 8,80 và 9,40; bổ sung đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với công chức, viên chức không xếp lương theo chức danh tư pháp chuyên ngành; nâng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các chức danh tư pháp của Viện kiểm sát quân sự.
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về việc giữ nguyên bảng lương của các ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp và các ngạch Kiểm tra viên, Điều tra viên như hiện nay.
Đối với đề nghị bổ sung bảng lương mới của Kiểm sát viên VKSNDTC (theo đó có 02 bậc, hệ số 8,80 và 9,40, tăng so với hiện hành, Ủy ban Tư pháp không tán thành.
Đối với đề nghị về chế độ phụ cấp thâm niên nghề, chế độ phụ cấp ngành đối với cán bộ, công chức, viên chức của VKSND, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành cho đến khi có Đề án tổng thể về cải cách chính sách tiền lương mới, bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống chính trị, tránh phát sinh bất hợp lý mới, đồng thời phù hợp với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc không ban hành bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề (trừ các chế độ phụ cấp đã quy định tại các luật chuyên ngành) .
Đối với đề nghị về chế độ phụ cấp đặc thù đối với các chức danh tư pháp của Viện kiểm sát quân sự, Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, đề nghị VKSNDTC phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/5/2007 cho phù hợp.
Về Tờ trình UBTVQH quyết định biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch kiểm sát viên, điều tra viên của VKSND, Ủy ban Tư pháp đánh giá hồ sơ Tờ trình chưa đủ điều kiện để trình UBTVQH theo luật định, nên đề nghị UBTVQH chưa xem xét Tờ trình này. Về nội dung, Ủy ban Tư pháp cho rằng, khi chưa có Đề án vị trí việc làm thì không thể xác định chính xác được biên chế và cơ cấu, tỷ lệ các ngạch Điều tra viên, Kiểm sát viên. Ủy ban Tư pháp đề nghị VKSNDTC cần xin ý kiến Chính phủ, khẩn trương xây dựng Đề án về tổ chức, biên chế của ngành đến năm 2020, Đề án về vị trí việc làm, Kế hoạch tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền. Trong thời gian tới, khi đủ điều kiện sẽ trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Trước mắt, Ủy ban này đề nghị giữ nguyên tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND như Nghị quyết số 522e/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012. Đối với các VKSND cấp cao mới được thành lập thì thực hiện đúng Điều 3 Nghị quyết số 953/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015.
Về Tờ trình UBTVQH quy định về trang phục ngành kiểm sát nhân dân, giấy chứng minh kiểm sát viên, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị bổ sung quy định về cấp hiệu, nhưng đề nghị VKSNDTC nghiên cứu có quy định riêng về cấp hiệu đối với Kiểm tra viên để người dân, các cơ quan khác dễ phân biệt với Kiểm sát viên, tránh nhầm lẫn.
Đối với đề nghị bỏ các quy định về chế độ quản lý và sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Ủy ban Tư pháp không tán thành và đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm quản lý chặt chẽ việc sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, tránh lợi dụng để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp của tổ chức, công dân.
Đối với đề nghị bỏ một số quy định của Nghị quyết số 522b vì đã được pháp điển hóa trong Luật tổ chức VKSND năm 2014, Ủy ban Tư pháp tán thành. Tuy nhiên, không tán thành việc bỏ quy định về bộ cành tùng đơn gắn trên ve áo lễ phục và cuống đeo huân chương vì trang phục của ngành Kiểm sát nhân dân mới được sửa đổi và thực hiện từ năm 2012 đến nay, VKSNDTC chưa có sự tổng kết đánh giá kỹ và báo cáo về phương án thay thế phù hợp nên nếu thay đổi ngay sẽ rất tốn kém không cần thiết.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị VKSNDTC cân nhắc chưa thay đổi màu sắc trang phục tại thời điểm này để bảo đảm tiết kiệm cho ngân sách.
Về Tờ trình UBTVQH quyết định thành lập một số VKSND và TAND cấp huyện, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị thành lập VKSND tại 10 đơn vị hành chính cấp huyện mới được thành lập và đề nghị của Chánh án TANDTC về thành lập 12 TAND tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới được thành lập. Tuy nhiên, đề nghị VKSNDTC, TANDTC lưu ý về khối lượng công việc, phương án sắp xếp, phân bổ biên chế, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí trụ sở làm việc của các TAND, VKSND cấp huyện nêu trên, nhất là đối với những TAND, VKSND tại các đơn vị thành lập mới do điều chỉnh địa giới hành chính hoặc đơn vị chưa có trụ sở làm việc../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam