Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tội phạm

Các bộ, ngành, địa phương cần xác định phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị thường xuyên liên tục. Trong đó, cấp uỷ, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ nếu để tội phạm xảy ra và lộng hành trên địa bàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo diễn ra chiều 14/7.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước

Chiều 14/7 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng
đầu năm 2015 của BCĐ phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chủ động, kiên quyết đấu tranh với tội phạm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực trạng tội phạm, tệ nạn xã hội hiện nay, về hoạt động của BCĐ 138. Theo đó, nêu rõ những việc chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc và cơ chế giải quyết; nghiên cứu đề xuất BCĐ 138 tham mưu cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ các giải pháp nhằm kiềm chế tội phạm một cách có hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ lực lượng chức năng tiếp tục đấu tranh nhằm kéo giảm tội phạm, bảo đảm TTATXH, góp phần bảo vệ thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, bảo vệ các ngày lễ lớn, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. Chủ động đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma tuý, tội phạm giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản ở nông thôn, tội phạm kinh tế, gian lận thương mại.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều bộ, ngành địa phương khẳng định nhờ sự vào cuộc đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, nên tình hình TTATXH 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm hình sự giảm trên 3%, các loại tội phạm khác giảm nhiều.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng tình hình tội phạm, một số loại tội phạm sẽ có xu hướng gia tăng cả về mức độ và tính chất nghiêm trọng. Đặc biệt, dự báo những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là thời điểm các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất quan điểm chỉ đạo, đồng thời đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm.

Rút kinh nghiệm từ vụ án đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng nếu không tăng cường giáo dục truyền thống gia đình, xây dựng gia đình một cách căn bản, thì vấn đề đạo đức xã hội rất đáng báo động. Từ thực tiễn tình hình hiện nay, TPHCM sẽ tập trung xác định giải pháp để chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên liên tục. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên liên tục

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tội phạm những tháng đầu năm, nhận thức trong từng gia đình, dòng tộc, địa bàn về công tác giáo dục, phòng chống còn nhiều bất cập. Các cấp chính quyền cần nhìn nhận rõ để có giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương.

Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ cũng chỉ rõ những vấn đề tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống tội phạm.

Đó là công tác phòng ngừa tội phạm xã hội vẫn là khâu yếu; nhiều địa phương vẫn chưa tạo được chuyển biến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; vẫn còn tình trạng tham nhũng, suy thoái của một bộ phận cán bộ Đảng viên, những người thực thi công vụ. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng còn nhiều bất cập; một số địa phương không cương quyết nên tội phạm còn lộng hành...

Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xác định công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên liên tục. Trong đó, cấp uỷ, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ nếu để tội phạm xảy ra và lộng hành trên địa bàn.

Các cấp cần xác định rõ công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; các cơ quan chuyên trách làm nòng cốt; làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác này nếu để xảy ra sai phạm và để tội phạm lộng hành. Trên cơ sở đó, hoàn thành và phấn đấu vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong công tác này cũng như tìm ra nguyên nhân phát sinh tội phạm và giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, mỗi địa phương cần có chương trình cụ thể để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm; đổi mới và nâng cao một bước công tác phòng chống tội phạm của lực lượng chức năng.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các giải pháp của Chính phủ với việc xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục như việc chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, công tác phòng ngừa xã hội, rà soát đánh giá thực trạng năng lực của các lực lượng chuyên trách để xây dựng đề án khắc phục yếu kém của các cơ quan tố tụng; ưu tiên đầu tư mua sắm các thiết bị, vật tư cho công tác phòng chống tội phạm; các cơ quan nội chính chủ động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm.

Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm, trình Chính phủ vào quý IV/2015; chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm.

Về các kiến nghị, các bộ, ngành chủ trì cần tập hợp đầy đủ, nghiên cứu và đề xuất giải pháp đối với BCĐ 138 của Chính phủ xem xét, quyết định.

“Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải ra sức thi đua và làm tốt nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo của BCĐ 138/CP cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá trên 21.400 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý gần 42.000 đối tượng.

Triệt phá trên 1.200 băng, nhóm tội phạm; phát hiện 7.800 vụ phạm tội về kinh tế, 114 vụ tham nhũng, trên 6.400 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; điều tra, khám phá 150 vụ án mua bán người, bắt 244 đối tượng và xác minh, giải cứu, tiếp nhận 449 nạn nhân.

Điều tra, bắt giữ trên 7.300 vụ với 11.600 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 561,25 kg heroin, 321,74 kg và trên 83.500 viên ma túy tổng hợp, 1,378 kg cần sa, 41,6 kg cocain.

Các ngành chức năng đã đấu tranh quyết liệt làm giảm mức độ phức tạp của tội phạm có tổ chức (số băng nhóm triệt phá được nhiều hơn 38,06% so với cùng kỳ), hầu hết các loại án nghiêm trọng đều giảm so với cùng kỳ năm trước (giết người cướp tài sản giảm 15,63%, giết người giảm 22,89%, cướp giật tài sản giảm 12,21%...); án kinh tế phát hiện nhiều hơn 11,1% số vụ, 3,2% số đối tượng.

Các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội được tăng cường và hiệu quả hơn... do vậy, tình hình trật tự, an toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2015 có những chuyển biến tích cực, tội phạm hình sự giảm trên 3%, một số loại tội phạm giảm sâu.

Nguồn www.chinhphu.vn