Điểm nhấn trong công tác giảm nghèo gắn đảm bảo ASXH là trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt ở các địa phương, ngành đã chủ động phối hợp với UBND các huyện kịp thời hỗ trợ gạo cho nhân dân vùng bị hạn hán, đồng bào nghèo với 3.417 tấn gạo cho 42.408 hộ/178.846 khẩu (kể cả dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi là 594 tấn gạo). Hỗ trợ quà Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng; các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập… với kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Nghề mây tre đan đem lại thu nhập ổn định cho nông dân xã Phước Hà (Thuận Nam) vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ảnh: Sơn Ngọc
Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người nghèo. Đã cấp 121.583 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn, với kinh phí 48,283 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho 11.837 hộ nghèo, với số tiền 3,267 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh đã bố trí ngân sách để phát triển các mô hình giảm nghèo, tập trung chủ yếu vào chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ sản xuất… Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay tín dụng ưu đãi, tổng số vốn cho vay 30,450 tỷ đồng với 1.314 lượt vay, nâng tổng dư nợ lên 227,906 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay tín dụng, người nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, người nghèo có nhu cầu làm nhà ở… được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.
Thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 7.406 hộ nghèo, với nguồn vốn là 59,7264 tỷ đồng. Hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg đang triển khai xây dựng 59 căn.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, ngay cuối năm 2014, ngành đã tập trung làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Ngành xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng, miền và từng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến đối tượng thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn và người tàn tật. Nhờ đó, hoạt động đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 8.544 lao động, đạt 55,12% kế hoạch năm, tăng 0,9% so với cùng kỳ; tổ chức đào tạo nghề cho 2.504 người/8.100 người. Hoàn tất báo cáo tình hình triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất thuộc 2 Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Công tác đào tạo, dạy nghề đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết: Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, gắn với đảm bảo ASXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực trong xã hội để trợ giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội khác để tập trung nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhất là những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vùng bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Xuân Bính