CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Ngay cả ngư dân còn nhầm, huống hồ…!

(NTO) Mới đây trên địa bàn tỉnh, thêm một trường hợp ở phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tử vong mà nguyên nhân là ăn ốc biển lạ. Điều đáng nói đây lại là ngư dân trực tiếp đánh bắt trên biển vốn khá rành rẽ các loài hải sản, biết loài nào có độc hay không... vậy mà vẫn còn nhầm lẫn dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc.

Việc ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản lạ không phải là mới và mặc dù đã được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhưng xem ra “sức lan tỏa” chưa nhiều.

Người tiêu dùng cần cảnh giác khi chọn mua, sử dụng các loài ốc biển. Ảnh: Sơn Ngọc

Cho nên đã có không ít người tự “đánh cược” sinh mạng mình bằng chính sự dễ dãi trong sử dụng thực phẩm. Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là tại các trung tâm thị trấn, thị tứ và trung tâm Thành phố tình trạng bán các loại sò, ốc, cua, ghẹ tươi sống khá phổ biến do những người mua đi bán lại hoặc có điểm bán cố định tại chợ “chồm hổm” vỉa hè, lề đường hoặc bán dạo. Người mua cũng không ít nhưng khi hỏi thì cả người mua lẫn người bán đều không mấy hiểu biết kỹ về hải sản, nhất là ngày càng có nhiều loài “ốc” lạ được bày bán với tên gọi được phỏng theo hình dáng và theo từng địa phương, còn hải sản đó có chứa độc tố tự nhiên hay không thì... chỉ có ăn rồi mới biết!. Và hậu quả nhãn tiền: Ngộ độc nhẹ thì... bị “tào tháo rượt” còn nặng thì phải vào bệnh viện điều trị và nếu không kịp thời sẽ dẫn đến tử vong như trường hợp đã nêu trên.

Không chỉ có hải sản lạ mà trên thị trường còn bán các loại cá khô, trong đó có cả những loại có độc tố cao nếu chế biến không đúng quy trình như cá nóc, hoặc không rõ nguồn gốc hoặc tẩm ướp nhiều hóa chất cấm, không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng… cũng rất phổ biến. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc trên địa bàn tỉnh thời gian qua và sẽ tiếp diễn nếu người tiêu dùng quá “cả tin” và “thờ ơ” trước sức khỏe của mình.

Dân gian có câu: “Tham thực thì cực thân”, nếu “vận” vào những trường hợp nêu trên cũng không sai. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng cần có hiểu biết cần thiết khi mua thực phẩm là hải sản. Người khai thác cũng cần được ngành chức năng tập huấn thường xuyên về các loài hải sản nhằm tránh những loài có độc tố, qua đó loại ngay từ đầu để không dùng hoặc bán trên thị trường, vô tình đem đến sự tổn hại về sức khỏe, thậm chí là sinh mạng của người tiêu dùng. Thực tế là, ngay cả ngư dân còn “nhầm” trước những “sản vật” độc hại của biển huống chi người tiêu dùng!. Vậy nên tốt nhất là hãy kiên quyết “nói không” với hải sản lạ, không rõ nguồn gốc để trước hết là tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.