Năm học vừa qua, Trường TH Phước Bình A có 28 cán bộ, giáo viên phụ trách giảng dạy 245 học sinh. Để duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục, Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng phương án và tổ chức giảng dạy theo hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Để nâng cao chất lượng giáo dục, tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH Phước Bình A luôn đưa ra nhiều cách làm hay, linh hoạt như điều chỉnh dạy học chính tả tập chép sang dạy chính tả nghe–viết ở lớp 2; tổ chức dạy học theo môn ở lớp 4; vận dụng mô hình trường học mới (VNEN) vào việc trang trí, tổ chức lớp học… Từ năm 2011 đến nay, trường thực hiện phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy kèm, phụ đạo cho những em yếu kém. Các thầy, cô giáo luân phiên giảng dạy 5 buổi/tuần ở hai khối lớp 4 và 5, tạo điều kiện cho học sinh ăn ở nội trú, vui chơi sinh hoạt tập thể vào buổi tối. Nhờ thế đã thu hút học sinh lên lớp đông đủ, kết quả học tập được nâng lên rõ rệt, góp phần duy trì sĩ số và đảm bảo phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường TH Phước Bình A.
Thầy giáo Dương Đăng Thục, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Những năm gần đây, với việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, gắn với công tác vận động học sinh ra lớp, nhà trường luôn duy trì sĩ số học sinh đạt từ 95-99,5%. Riêng năm học vừa qua, trường đã duy trì tỷ lệ học sinh tới lớp đạt 99,6%, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên với trên 96,7% học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình tiểu học.
Nhằm khắc phục khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất dạy học, nhà trường đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ những học sinh nghèo. Qua đó, đã có nhiều đơn vị, cá nhân, phụ huynh hỗ trợ gạo, áo ấm, góp vật liệu, công lao động sửa chữa cơ sở trường lớp, chăm lo chỗ ở và bữa ăn bán trú cho học sinh. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường TH Phước Bình A đã thực hiện mô hình đưa văn hoá truyền thống của đồng bào Raglai vào các tiết học ngoại khoá. Thông qua việc dạy học trực quan, giới thiệu các hình ảnh, tư liệu sinh động ngay chính trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Raglai đã mang lại ý nghĩa giáo dục cao, tránh được các tiết học nhàm chán, thu hút và phát huy được tính tích cực của học sinh.
Không những vậy, nhà trường còn tổ chức cho thầy, cô giáo và học sinh xây dựng khuôn viên xanh như: trồng cỏ, trồng hoa tạo cảnh quan đẹp, giúp các em biết yêu thiên nhiên và thêm yêu ngôi trường của mình. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương đã thu hút sự tham gia tích cực của nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Với sự đóng góp tích cực trong công tác giáo dục ở vùng cao, năm 2014, tập thể, giáo viên nhà trường đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen. Nhiều năm liền được UBND huyện Bác Ái tặng giấy khen trong các hoạt động và công nhận là trường tiên tiến, xuất sắc.
Anh Tuấn