Cũng xoay quanh tính ỷ lại này mà có không ít câu chuyện... cười ra nước mắt!. Anh bạn tôi công tác ở huyện miền núi kể rằng: - Trong một lần kiểm tra thực tế ở cơ sở, đến 1 gia đình mới 9 giờ sáng đã thấy “gầy sòng” nhậu mà lẽ ra giờ này phải ra nương, rẫy để chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi. Cũng từ thói quen “thường nhậu, biếng làm” này đã dẫn đến hệ lụy tất yếu đó là... nghèo đến mức không thể nghèo hơn, cụ thể nhìn lên mái nhà đã mục nát phải dùng cây chống đỡ, trong nhà hầu như không có tài sản gì có giá trị... Anh bạn tôi hỏi ông “trụ cột” gia đình này: - Nhà cửa tường nứt, mái xiêu... sao không sửa?.: Ông “trụ cột” trả lời tỉnh bơ:- Nhà nước làm cho mình ở thì khi hư nhà nước phải sửa chớ!. Trong một lần khác về xã tìm hiểu tình hình sản xuất của bà con dân tộc thiểu số. Trên một cánh đồng, chỉ cách nhau bờ ruộng mà ruộng lúa, bắp của hộ này tốt xanh mơn mởn ngược lại hộ khác liền kề lúa thì vàng lá do thiếu phân, cỏ mọc vượt cả lúa; bắp thì mọc lưa thưa, chỗ có chỗ không, mới hơn 2 tháng đã trổ cờ... “chín non” thì làm gì cho trái. Anh hỏi cán bộ xã: - Sao không “kết nối” các hộ sản xuất trong thôn, xã để hướng dẫn, giúp nhau sản xuất?. Anh cán bộ xã cũng là dân “bản địa” thật thà trả lời: - Xã vận động những hộ này ra tận ruộng để tận mắt thấy, “cầm tay chỉ việc” nhưng không chịu làm, thậm chí còn nói gọn lỏn: - Nó làm được nó ăn, còn mình thiếu kệ mình!... Có lần anh bạn tôi hỏi thẳng một số hộ: - Không làm thì thiếu đói sao?. Câu trả lời nhận được là:- Nhà nước đâu để dân đói mà lo!. Thật hết biết.
Ngay sau khi có mưa, nông dân xã Phước Đại (huyện Bác Ái) chủ động trồng, chăm sóc cây mì. Ảnh: Sơn Ngọc
Còn nhiều và nhiều chuyện khác về tính ỷ lại. Ví như trong mùa hạn gay gắt này nhiều bà con đã tập trung chống hạn bằng cách tự đầu tư khoan giếng tưới cho cây trồng, chạy lo tìm thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, hơn thế nữa một số bà con còn không nhận gạo cứu trợ của Nhà nước để nhường cho những hộ còn khó khăn hơn mình... thì có một bộ phận bà con ỷ lại đến mức... tỏ ra rất “phấn khởi” trước hạn hán vì không làm gì nhưng được nhiều gạo trong nhà (từ các nguồn trợ cấp) hơn là… không nắng hạn!. Một số cán bộ công tác lâu năm, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng: Tính ỷ lại này thường rơi vào những hộ nghèo do quá lười lao động, tệ nhất là uống rượu. Muốn thay đổi không phải dễ dàng ngoài “biện pháp” kiên trì thuyết phục, vận động...
“Chống” tư tưởng ỷ lại là cần thiết nhưng đòi hỏi phải có sự “vào cuộc” tích cực của cả hệ thống chính trị. Một khi “chuyển” được nhận thức, chống thói quen ỷ lại, chí thú làm ăn thì mới mong đời sống khá lên được, nếu không sẽ nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh bạn tôi cho biết.
Hạ Huyền