Đấu tranh chống tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của Đổi mới
Trong bối cảnh những năm đầu tiến trình Đổi mới được khởi xướng từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12-1986), việc thực hiện các quyết sách đổi mới gặp phải những cản trở do nhiều hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Cơ chế quản lý cũ quan liêu, bao cấp đã gây ra sự trì trệ. Những cán bộ thoái hoá biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả... đã tranh thủ lợi dụng những sơ hở của cơ chế cũ, làm trầm trọng thêm sự trì trệ đó. Những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là ở bộ phận cán bộ đảng viên, những người có chức có quyền, có thể lợi dụng những khiếm khuyết, bất cập của cơ chế để mưu lợi cá nhân đang làm rối loạn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Muốn thực hiện Đổi mới phải đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực; tháo gỡ những ách tắc do cơ chế phải đi đôi với việc kiên quyết loại trừ những kẻ đang lợi dụng cơ chế bảo thủ, quan liêu để kiếm lợi, làm rối loạn kỷ cương phép nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội VI của Đảng, tháng 12/1986.
(Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Đấu tranh chống tiêu cực trở thành nhiệm vụ quan trọng “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các Nghị quyết khác của Đảng, nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc như Di chúc Bác Hồ đã dặn”[1]. Đấu tranh chống tiêu cực sẽ “làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, càng tốt đẹp hơn, dân ta mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân”[2]. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày đêm trăn trở tìm cách đấu tranh loại bỏ các hiện tượng tiêu cực đang cản trở Đổi mới, đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực
Đồng chí Nguyễn Văn Linh coi báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, các nhà báo phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng gay go ác liệt này. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng là người đi tiên phong, “nổ phát súng đầu tiên” trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực sau Đại hội VI bằng những bài báo sắc sảo nổi tiếng của mình.
Ngày 25-5-1987, báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm: "Những việc cần làm ngay". Tác giả ký tên N.V.L. Bài viết không dài song đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng khi đó là việc giá cả tăng vọt. Ngay lập tức bài báo của tác giả N.V.L đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Trong những ngày sau, từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990 đã có 27 bài báo nhan đề "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L đăng trên báo Nhân Dân. Cái tên N.V.L dần trở nên quen thuộc đối với bạn đọc. Những việc cần làm ngay trở thành một chuyên mục trên báo Nhân Dân được nhân dân ưa thích và tìm đọc.
Vấn đề hàng đầu được "Những việc cần làm ngay" đề cập là chống tiêu cực. Trong những bài viết của mình, tác giả N.V.L phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao để buôn lậu... của một số cán bộ có chức có quyền; phê phán việc ngăn sông cấm chợ, phê phán cơ chế bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối lưu thông. Qua "Những việc cần làm ngay", tác giả N.V.L muốn giúp cho quần chúng biết và biết cách đấu tranh với những điều không đúng, với những kẻ làm không đúng, gây oan ức cho nhiều người. Đồng chí coi đây là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng.
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực cần đạt được những kết quả cụ thể chứ không phải là những lời nói suông. Đây chính là đòi hỏi của công luận với các cấp, các ngành có những vụ việc, có những cán bộ sai phạm mà báo chí đã phanh phui, phải làm rõ và trả lời. Sau này khi đuợc hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích đó là “Nói và Làm”. Trong câu trả lời đó đã hàm chứa nội dung đồng chí muốn nhắn gửi: Lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo.
Tác giả N.V.L đã viết về những tâm tư, suy nghĩ khiến mình phải viết Những việc cần làm ngay: “Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai phạm rất lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự im lặng đáng sợ.
Mong rằng từ nay phải đổi mới, chấm dứt tình trạng này”[3].
"Những việc cần làm ngay" và phong trào hưởng ứng Những việc cần làm ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phá tan “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Các vụ việc tác giả N.V.L nêu lên đều được đồng chí yêu cầu đích danh những cơ quan có trách nhiệm, những cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết triệt để và trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh mong muốn mặt trận chống tiêu cực có sự tham gia hưởng ứng của các phương tiện thông tin đại chúng cùng với đông đảo nhân dân bởi vì “Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”[4]. Đây là điều quan trọng để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công.
Những bài báo chống tiêu cực của tác giả N.V.L đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng. Mỗi ngày toà soạn báo Nhân Dân nhận được hàng trăm lá thư của bạn đọc hưởng ứng Những việc cần làm ngay. Nhiều bộ, tỉnh, thành phố đã có chỉ thị Hưởng ứng Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L. Nhiều báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuần tin tức, Thanh niên, Tuổi trẻ... các đài phát thanh và truyền hình đã tích cực hưởng ứng Những việc cần làm ngay trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực và biểu dương, bồi dưỡng những cái mới, cái tốt đang nảy nở.
Trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, Những việc cần làm ngay là một “cú hích” khá mạnh mẽ, có tác dụng tạo đà cho báo chí tham gia ngày càng tích cực, mạnh mẽ và có hiệu quả hơn trên mặt trận chống tiêu cực. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực do đồng chí Nguyễn Văn Linh phát động trên báo chí sau thời điểm khởi xướng công cuộc Đổi mới chỉ ít tháng với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, dưới hình thức công khai dân chủ nên đã tranh thủ được sự đồng tình và hưởng ứng rộng rãi của công luận, tạo ra hiệu quả xã hội to lớn, góp phần đẩy lùi tiêu cực, đem lại sự phấn khởi và niềm tin cho đông đảo nhân dân.
“Xây” để “chống”và “chống” để “xây”
Bệnh quan liêu, tham nhũng, thoái hoá, biến chất phát triển và gây hại ở một bộ phận đảng viên, làm giảm uy tín lãnh đạo của Đảng trong nhân dân. Bệnh quan liêu đã làm hư hỏng nhiều cán bộ. Những “cán bộ hỏng” này vô cảm với những gì quần chúng đang bức xúc, với những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống, làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng, làm cho Đảng xa rời quần chúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất cảnh giác với xu hướng quan liêu hoá trong Đảng, cả trong lối sống và cách làm việc. Đồng chí thường nhấn mạnh rằng trong tiến trình đổi mới, “cán bộ là khâu then chốt”, là điều kiện tiên quyết, sống còn, là khâu quyết định nhất để biến đường lối thành hiện thực, trong đó “cần chú ý rằng phẩm chất cách mạng là yếu tố hết sức cơ bản” bên cạnh trí tuệ, trình độ lý luận, trình độ học vấn. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tập trung nhiều cố gắng trong công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là cách tốt nhất để đẩy lùi các tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm nhận thấy tham nhũng, quan liêu có thể phát triển, trở thành “quốc nạn”. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực được đồng chí phát động từ Những việc cần làm ngay thể hiện quyết tâm “làm trong sạch và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ”. Đồng chí yêu cầu: “Lãnh đạo các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc”. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực do đồng chí phát động bằng loạt bài Những việc cần làm ngay cũng là cuộc đấu tranh để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn - là một mặt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Những việc cần làm ngay đã thể hiện tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng để làm trong sạch hàng ngũ Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh xã hội, để sửa chữa và ngăn chặn những sai lầm khuyết điểm mà một Đảng cầm quyền dễ phạm phải khi rơi vào chủ nghĩa quan liêu, xa rời quần chúng.
Khi đề cập đến vai trò gương mẫu của người cán bộ đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, trong Những việc cần làm ngay, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Muốn tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí thì cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu làm trước. Xe lửa có đầu tàu. Tàu chuyển động chạy sẽ kéo các toa cùng chạy theo. Đầu tàu cứ kéo còi, xịt khói mà nằm im, làm sao các toa nhích nhích được !”. Cũng tương tự như vậy, đồng chí nói về chống quan liêu, tham nhũng: “Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa, nước từ nóc đổ xuống, quét mãi cũng không hết được. Phải quét nước, nhưng đồng thời phải chống dột. Không chống dột ở nóc mà cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong?”.
Trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh: Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Điều này càng đặc biệt cần thiết trong bối cảnh những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới trong những năm cuối thế kỷ XX đòi hỏi mỗi người cộng sản Việt Nam thể hiện bản lĩnh chính trị của mình qua sự kiên định về tư tưởng, lập trường, trước những sự tấn công của các thế lực thù địch âm mưu gây chia rẽ giữa những người cộng sản, hậu thuẫn cho những xu hướng ly khai để làm tan vỡ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa... Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, mặc dù có những đặc điểm khác nhau trong mỗi thời kỳ nhưng các nhân tố tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong Đảng ở mọi giai đoạn cách mạng là Đảng phải đề ra được đường lối chủ trương đúng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc mà đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn yêu cầu các cấp uỷ Đảng phải nghiêm túc tích cực thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng sớm chỉ ra căn bệnh hình thức trong đấu tranh phê bình, tự phê bình: “Tính Đảng, tính nguyên tắc, tình thương yêu đồng chí đã bị thay thế bằng tính nể nang, thiếu thẳng thắn đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ việc đúng, người tốt” và “Ở một số nơi xảy ra tình hình Ban Thường vụ, Thường trực biến thành một cấp cao hơn cấp ủy Đảng tương đương”[5]. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ đôn đốc việc tự phê bình và phê bình từ dưới lên mà cả từ trên xuống. Đồng chí đã tổ chức việc kiểm điểm cá nhân từ Tổng Bí thư đến từng Ủy viên Bộ Chính trị, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà cả trong ý thức tổ chức kỷ luật, trong đạo đức, lối sống. Việc làm đó có ý nghĩa rất lớn trong Đảng, được toàn Đảng, toàn dân hoan nghênh.
Đi cùng với xây, phải tích cực chống những mầm bệnh, những ung nhọt (chữ dùng của đồng chí Nguyễn Văn Linh) có thể ngăn trở, phá hoại công cuộc Đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo toàn dân tiến hành. Những mầm bệnh, những ung nhọt đó chính là những kẻ đã thoái hoá về chính trị và đạo đức, tham nhũng, quan liêu, bè phái, ức hiếp quần chúng..., làm cho Đảng xa dân, dân không tin Đảng. Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, để lấy lại uy tín và lòng tin trong nhân dân, Đảng phải khắc phục được tình trạng trì trệ trong tư duy và hành động, phải ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực, thoái hoá, biến chất ở một số đảng viên đang là những con sâu làm rầu nồi canh. Biện pháp hữu hiệu để loại bỏ những con sâu như vậy là: Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện những đường lối chính sách của mình ở tất cả các cấp, các ngành để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, xử lý những sai phạm một cách nghiêm minh. Đồng thời Đảng phải tập trung đầu tư công sức đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, giám sát cán bộ để có một đội ngũ những cán bộ tốt thực hiện đúng đắn công cuộc Đổi mới, đồng thời chuẩn bị tốt lực luợng kế cận.
Nhận trọng trách Tổng Bí thư trước Đảng, trước nhân dân trong một nhiệm kỳ đánh dấu khởi đầu sự nghiệp Đổi mới đưa đất nước thoát khỏi một trong những giai đoạn khó khăn nguy hiểm nhất trong lịch sử dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến những bước vững chắc đầu tiên.
Những vấn đề về chống tiêu cực, làm lành mạnh đời sống xã hội, đấu tranh xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu lên trong những năm đầu sự nghiệp Đổi mới vừa có tính cấp bách không thể trì hoãn, vừa có tính chiến lược lâu dài. Với tầm nhìn chíến lược của một nhà lãnh đạo xuất sắc, với nhiệt tình cách mạng của một người chiến sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho nhân dân, cho cách mạng, cho Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh vừa là người tham gia hoạch định chiến lược, đường lối, vừa là người lãnh đạo triển khai thực hiện, đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh. Cuộc đấu tranh này được thực hiện với tinh thần công khai dân chủ, huy động được sức mạnh của công luận rộng rãi nên đã có những hiệu ứng xã hội to lớn. Tác giả N.V.L của loạt bài Những việc cần làm ngay luôn có những phát hiện mới và nêu cách giải quyết cụ thể khi đề cập đến đấu tranh chống tiêu cực trong nhiều lĩnh vực xã hội ở tầm vĩ mô.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, có đủ phẩm chất và năng lực ngang tầm với những nhiệm vụ mới, được khởi động từ Đại hội VI, được các Đại hội sau của Đảng tiếp tục nhấn mạnh, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay" đang được tích cực thực hiện. Hiện nay, cuộc đấu tranh chống tiêu cực của chúng ta chưa kết thúc mà vẫn diễn ra quyết liệt trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa biến chất về tư tưởng và đạo đức, tác phong đang có nhiều biến tướng tinh vi. Cuộc đấu tranh chống “quốc nạn” tham nhũng được Đảng nhấn mạnh cùng với công tác xây dựng Đảng đang thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Hôm nay, chúng ta vẫn đang còn nhiều việc cần làm ngay, cần cái tâm, cái đức và tài năng của các nhà báo, cần tới tấm lòng trong sáng cương trực của các nhà báo như tấm gương của tác giả N.V.L
Tác giả N.V.L của Những việc cần làm ngay - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đi xa nhưng trí tuệ và tác phong của đồng chí đã giành được sự cảm phục mến mộ và đồng lòng ủng hộ của đông đảo nhân dân, được Đảng trân trọng ghi nhận. Trong Điếu văn do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc trong lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh có những dòng: “Đồng bào và đồng chí còn nhớ Những việc cần làm ngay trên báo Nhân Dân vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước... Đồng chí Nguyễn Văn Linh - một trong những người con ưu tú nhất, niềm tự hào của Đảng và dân tộc Việt Nam”[6]
[1] N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10-7-1987
[2] N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 10-7-1987
[3] N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân Dân ngày 26-5-1987
[4] N.V.L - Những việc cần làm ngay - Báo Nhân dân ngày 25-6-1987.
[5] Nguyễn Văn Linh: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang soi đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 444.
[6] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29-4-1998 - Báo Nhân dân ngày 30-4-1998.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam