Mặc dù chưa thực sự “giảm sâu” như mục tiêu đề ra từ đầu năm đó là phấn đấu giảm từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí nhưng đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương liên quan từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến quyết liệt thực hiện với nhiều điểm mới đáng ghi nhận. Đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, chú ý tuyên truyền trực quan, nhất là tại các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã miền núi thu hút trên 7.000 lượt người tham dự.
Đội CSGT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra, kiểm soát bảo đảm ATGT
trên các tuyến đường nội thành. Ảnh: VănMiên
Đồng thời, lập danh sách quản lý hàng trăm đối tượng vi phạm, răn đe nhiều đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện càn quấy cam kết không vi phạm; vận động đội mũ bảo hiểm ngay cả cho trẻ em 6 tuổi trở lên. Mặt khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... với trên 13.450 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Từ đó đã phát hiện lập biên bản gần 9.520 trường hợp vi phạm, trong đó có 2.253 ô tô, 7.045 mô tô; xử phạt vi phạm hành chính trên 8.530 trường hợp (2.108 ô tô, 6,188 mô tô), thu nộp ngân sách trên 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông cũng có nhiều chuyển biến vừa phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhất là trong các ngày tết, lễ lớn vừa bảo đảm ATGT...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kéo giảm TNGT ở các địa phương trong tỉnh chưa thực sự căn cơ, chắc chắn, thiếu ổn định. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là xuất phát từ tính chủ quan của người tham gia giao thông gây ra như đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định (qua phân tích nguyên nhân này chiếm đến gần 30% tổng số vụ). Một nguyên nhân khác đó là ý thức chấp hành pháp luật TT ATGT của không ít người dân khi tham gia giao thông chưa cao như không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, lấn chiếm phần đường, làn đường, chở người vượt quá quy định, uống rượu, bia say... Đây là nguyên nhân tiềm tàng có thể dẫn đến TNGT bất cứ lúc nào...
Ai cũng biết TNGT luôn gắn liền với đau thương, mất mát nếu gây chết người hoặc tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội…Thế nhưng, điều đáng tiếc là mặc dù được tuyên truyền, vận động thậm chí xử lý “mạnh tay” của ngành chức năng nhưng đâu vẫn vào đấy!. Đừng biện hộ cho sai phạm của mình mà hãy nhìn vào hậu quả để điều chỉnh hành vi. Mặt khác, cơ quan chức năng cần sử dụng các chế tài “mạnh tay” hơn nữa để góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Có như vậy mới hy vọng giải quyết được mối lo cũ. Đồng thời thực hiện hoàn thành việc kéo giảm TNGT ít nhất từ 5 đến 10% trên cả 3 tiêu chí từ nay đến cuối năm.
Tuấn Dũng