Nhiều trí thức Chăm, người có uy tín trong các cộng đồng Chăm đều cho rằng việc lấn chiếm đất công và gây rối trật tự xã hội là vi phạm pháp luật.
Cả sư Hán Đô, Phó chủ tịch phụ trách Hội đồng Sư cả Chăm Bàlamôn tỉnh kêu gọi đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn
trong tỉnh đấu tranh với những hoạt động sai trái của nhóm người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.
Có dịp tiếp cận các vị trên, chúng tôi ghi nhận hầu hết các ý kiến bức xúc và phản đối hành vi lấn chiếm đất công, phần đất đã được UBND huyện Ninh Phước quy hoạch xây dựng Trường Mẫu giáo thôn Chất Thường. Ngay trong thôn, một số người dân như các ông Đàng Năng Sức, Trượng Văn Hùng, Quảng Văn Đại đều đề nghị chính quyền tổ chức di dời tảng đá ra khỏi địa điểm lấn chiếm càng sớm càng tốt… Cụ Quảng Đại Thắng, thành viên Ban Phong tục thôn Hiếu Lễ cùng xã, chia sẻ: Tôi nghĩ giả như tảng đá vô tri là thần linh thì cúng ở đâu chẳng được, cớ gì phải dời vào chỗ đất công, đây rõ ràng có nhóm người chủ mưu đứng sau kích động mà chính quyền cần điều tra xử lý nghiêm. Riêng các chức sắc, các thầy cúng cần công bố cách ly nhóm người gây rối trên ra khỏi các sinh hoạt có nghi thức tôn giáo. Tán thành ý kiến trên, cụ Bá Bình Lợi, ở thôn Phước Đồng cùng xã, cho rằng: Vụ việc xảy ra ở Chất Thường hoàn toàn mâu thuẫn với tín ngưỡng của dân tộc Chăm, nguy hiểm hơn nữa là đã gây bất hòa trong làng xóm, gia đình, chia rẽ vợ chồng, anh em. Đây là hành vi coi thường pháp luật Nhà nước nên tôi đề nghị chính quyền cần trừng trị thích đáng.
Không chỉ nhiều người ở thôn Chất Thường và xã Phước Hậu phản đối hành vi trên, mà qua ý kiến các ông Lưu Văn Thính (thôn Hoài Ni, Phước Thái); Đàng Việt (Vĩnh Thuận, Phước Dân); Thành Mốc (thôn Bỉnh Nghĩa, Bắc Sơn, Thuận Bắc); Thiên Sanh Hội (thôn Hiếu Thiện, Phước Ninh, Thuận Nam)… cũng đều rất bất bình với hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, xâm phạm đến phong tục tập quán, xúc phạm danh dự của các vị chức sắc Bàlamôn và hầu hết ý kiến đều yêu cầu di dời tảng đá “Kuk hoang” ra khỏi khu dân cư, trả lại đất cho dự án xây dựng trường mẫu giáo, đồng thời nghiêm trị những người có hành vi vi phạm pháp luật.
Trước sự đồng thuận lên án của 24 Ban Phong tục các thôn Chăm Bàlamôn trong tỉnh, Cả sư Đổng Bạ, phụ trách tháp Pô Klong Garai, thành viên Hội đồng Chức sắc (HĐCS) Chăm Bàlamôn tỉnh, khẳng định: Tảng đá được gọi “Kuk hoang” chỉ là tảng đá bình thường, cần phải di dời ra khỏi khu dân cư và những đối tượng cố tình chống đối phải được chính quyền, cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Qua ý kiến thống nhất của 24 Ban Phong tục thôn Chăm Bàlamôn, Cả sư Hán Đô, Phó Chủ tịch phụ trách HĐCS Chăm Bàlamôn tỉnh, kêu gọi đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn trong tỉnh nói chung và xã Phước Hậu nói riêng cần lên án, đấu tranh với những hoạt động sai trái của nhóm người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để để hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục. Nếu ai vi phạm, tham gia cùng nhóm người trên, HĐCS Chăm Bàlamôn tỉnh sẽ xử lý theo luật tục.
Bạch Thương