1. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Điều chỉnh Hỗ trợ Thương mại (TAA)-dự luật nhằm gia hạn chương trình hỗ trợ và đào tạo lại các lao động bị mất việc làm vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với động thái này, Tổng thống Barack Obama đã giành được một chiến thắng nữa trong nỗ lực nhằm hoàn tất TPP.
Trước đó, TAA đã vượt “ải” Thượng viện Mỹ và với việc được phê chuẩn tại Hạ viện, văn kiện này sẽ được trình lên để Tổng thống Obama ký ban hành thành luật. TAA được đính kèm vào dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh vốn đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.
Với các bước đi mới tích cực này, giới phân tích nhận định cánh cửa đã rộng mở để Tổng thống Obama hoàn tất TPP cũng như các thỏa thuận thương mại khác. Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới
2. Hy vọng về một sự đột phá dành cho Hy Lạp tiếp tục rơi vào bế tắc khi Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Đây là cuộc họp lần thứ ba mà không đạt bất cứ thỏa thuận nào, giữa các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) trong vòng 1 tuần qua nhằm đánh giá những đề xuất mới trong dự thảo cải cách do Hy Lạp đệ trình.
Hy Lạp mới đây cũng đã bác bỏ những thay đổi do các chủ nợ đưa ra đối với kế hoạch cải cách mà Hy Lạp vừa đệ trình hôm 22-6. Theo phía Hy Lạp, nhóm chủ nợ đưa ra những điều kiện ngặt nghèo hơn về vấn đề lương hưu và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), dù đã hạ thấp mức thuế đánh vào các doanh nghiệp.
Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế hiện vẫn đang chay đua với thời gian để cho ra đời một thỏa thuận mới về vấn đề nợ công của Hy Lạp. Thời hạn 30-6 mà Hy Lạp phải có tiền để trả khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang gần kề. Nếu không có tiền, Hy Lạp sẽ phá sản, đồng nghĩa với việc nước này phải chia tay với khu vực đồng Euro–một thực tế mà cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Hy Lạp cùng không mong muốn bởi cái giá phải trả quá đắt.
3. Những biện pháp trừng phạt mà Nga dùng để đáp trả phương Tây sẽ được kéo dài thêm một năm, bắt đầu từ ngày 24-6. Với những diễn biến trên, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục căng thẳng hơn.
Biện pháp trả đũa của Nga là lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông phẩm, thực phẩm từ các nước đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tổng thống Putin đã tung ra đòn đáp trả sau khi EU ra quyết định chính thức kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga thêm thời hạn 6 tháng.
Những đòn trừng phạt mà EU tung ra là nhằm vào các ngành kinh tế then chốt nhất của Nga gồm ngân hàng, dầu mỏ và quốc phòng. EU tiếp tục cảnh báo sẽ tung thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu Moscow không chịu tuân theo các cam kết đưa ra trong thỏa thuận Minsk.
Động thái “ăn miếng trả miếng” nói trên giữa Nga và EU khiến cuộc chiến trừng phạt giữa hai bên thêm nóng bỏng và đương nhiên là sẽ có thêm những tổn thương, mất mát xảy ra với cả hai bên.
Có thể thấy, nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng trước những khó khăn khách quan cũng như do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nước EU cũng không tránh khỏi ảnh hưởng “gậy ông đập lưng ông” từ chính những biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng lên Nga cũng như bị ảnh hưởng từ đòn trả đũa của Nga. Đây là điều đã được dự báo từ trước bởi Nga vốn là đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của châu Âu.
P.V