Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

Sáng 24/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, với 88,66% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương, 73 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN); nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Kiểm toán nhà nước; Cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết:

Về nguyên tắc hoạt động của Kiểm toán nhà nước (Điều 5), có ý kiến đề nghị, bổ sung nguyên tắc “nhanh chóng, kịp thời”, bổ sung nguyên tắc “không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán” vào Điều 5 của Dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin tiếp thu và đã chỉ đạo rà soát các nội dung của Dự thảo luật nhằm bảo đảm thực hiện hoạt động kiểm toán của KTNN đáp ứng tính nhanh chóng, kịp thời và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán và đã được thể hiện tại Điều 5 (nguyên tắc hoạt động của KTNN), khoản 2 và khoản 3 Điều 31 (thời gian gửi quyết định kiểm toán), Điều 34 (thời hạn kiểm toán), Mục 4 Chương IV (quy trình kiểm toán), Điều 8 (các hành vi bị nghiêm cấm)...

Liên quan đến giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán (Điều 7), có ý kiến đề nghị, cân nhắc tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được UBTVQH phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, bộ chuyên ngành, quản lý Nhà nước, Bộ Công an, tòa án xác định đó là sai phạm; có ý kiến đề nghị cần có ý kiến của cơ quan cấp trên thì đối tượng được kiểm toán mới thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

UBTVQH xin báo cáo giải trình như sau: Việc quy định có tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của KTNN trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, khắc phục tình trạng thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN những năm qua chưa nghiêm do tồn tại của Luật hiện hành. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, Báo cáo kiểm toán của KTNN cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và KTNN phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình. Vì vậy, việc quy định Báo cáo kiểm toán phải được UBTVQH phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp xác định có sai phạm là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán ghi trong báo cáo kiểm toán của KTNN là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại theo Điều 69 của Dự thảo luật. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ quy định về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán thể hiện tại Điều 7 của Dự thảo luật.

Về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước (Điều 13), một số ý kiến cho rằng, quy định về trách nhiệm của KTNN trong Dự thảo luật còn chưa rõ ràng, chưa tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN.

UBTVQH xin giải trình như sau: Dự thảo luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân của KTNN tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó: Tổng KTNN là người đứng đầu chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của KTNN, đặc biệt là quy định “Tổng KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” (khoản 3 Điều 13). Trong hoạt động kiểm toán của KTNN, cơ chế trách nhiệm được quy định theo thứ bậc từ thấp đến cao, từ: trách nhiệm của các thành viên Đoàn kiểm toán không phải là Kiểm toán viên nhà nước (khoản 2 Điều 43), thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước (Điều 22), Tổ trưởng Tổ kiểm toán (tại khoản 3 Điều 41), Trưởng Đoàn kiểm toán (tại khoản 3 Điều 39), Phó trưởng Đoàn kiểm toán (Điều 40), Kiểm toán trưởng và Phó Kiểm toán trưởng (Điều 17), Phó Tổng KTNN (khoản 1 Điều 15) đến trách nhiệm của Tổng KTNN (tại Điều 13). Vì vậy, trách nhiệm của KTNN đã đầy đủ, rõ ràng, đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật.

Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN (khoản 3 Điều 12), qua thảo luận ở hội trường, ĐBQH có hai loại ý kiến: (1) đề nghị quy định nhiệm kỳ Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội; (2) đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm như Luật hiện hành.

Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đa số ĐBQH (79,23%) đồng ý với phương án: “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm), có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ”. UBTVQH xin Quốc hội cho tiếp thu quy định về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 5 năm theo đa số ý kiến ĐBQH, thể hiện tại khoản 3 Điều 12 của Dự thảo luật./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam