Xác định rõ trách nhiệm trong dự báo khí tượng thủy văn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 24/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về dự án Luật khí tượng thủy văn, nghe Tờ trình và thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Khí tượng thủy văn, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật không chỉ là cần thiết mà đã trở nên rất cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức dự báo, cảnh báo thiên tai trong trường hợp cung cấp thông tin không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của người dân.

Nhiều đại biểu cho rằng, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thường xuyên phải đối phó với các hiện tượng thời tiết bất thường như mưa bão, lũ quét, sạt lở, hạn hán. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ban hành từ năm 1994 mà nội dung và phạm vi điều chỉnh cơ bản chỉ là nội dung chương 2 của dự thảo Luật.

Về quy định dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đại biểu Đặng Đình Luyến (đoàn Khánh Hòa), Phạm Thị Phương (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông tin không chính xác về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Theo đại biểu Đặng Đình Luyến, thực tế, trong những năm qua, có một số lần dự báo, cảnh báo không chính xác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, tuy nhiên theo đại biểu Đặng Đình Luyến, những giải trình đó là chưa thỏa đáng. Đại biểu Đặng Đình Luyến đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về việc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đồng thời bổ sung một số quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong trường hợp đưa tin hay cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước và xã hội.

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình). (Ảnh: dangcongsan.vn)

Các đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến dự báo sai như về trang thiết bị, người thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn... Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đề nghị cần bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng bản tin dự báo, bởi đây là yêu cầu quan trọng nhất trong phòng, chống thiên tai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, trong xã hội đang có nhiều ý kiến về chất lượng dự báo, đặc biệt trong trường hợp dự báo sai gây thiệt hại lớn về người và tài sản hoặc gây lãng phí trong di rời dân ứng phó với bão lụt. Cũng trong điều này nên xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của dự báo viên gây hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị không ghi trách nhiệm của Hệ thống quốc gia dự báo, vì trách nhiệm chỉ gắn với tổ chức, cá nhân chứ không gắn với hệ thống. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng, dự thảo mới chỉ quy định về cơ quan phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà chưa đề cập đến vai trò của các cơ quan truyền tin, đưa thông tin này đến cộng đồng. Đây là vấn đề cần bổ khuyết theo hướng quy định rõ thời gian để cơ quan khí tượng thủy văn phải cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông để thông báo đến người dân kịp thời, quy định cụ thể tên cơ quan, bộ ngành có trách nhiệm truyền phát thông tin, chuẩn hóa nội dung bản tin...

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; về sự kết nối giữa các trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia với các trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị khá công phu. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát lại từ ngữ, bố cục và một số nội dung còn ý kiến tranh luận như về phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị cấm, các quy định về xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn; về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; cấp phép cho hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn... “Luật càng cụ thể càng tốt, tránh giao cho Chính phủ, Bộ quy định quá nhiều nội dung”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội nghe Tờ trình và thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đối với 15 người, gồm:

1. Ông Bùi Ngọc Hòa, sinh ngày 15-10-1955, Ủy viên Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Thường trực TANDTC.

2. Ông Nguyễn Sơn, sinh ngày 20-6-1957, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC, ĐBQH khóa XIII

3. Ông Tống Anh Hào, sinh ngày 24-9-1956, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC.

4. Ông Nguyễn Văn Thuận, sinh ngày 21-5-1958, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC

5. Ông Nguyễn Văn Hạnh, sinh ngày 6-1-1959, Thiếu tướng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

6. Bà Nguyễn Thúy Hiền, sinh ngày 20-6-1960, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp giới thiệu)

7. Bà Đào Thị Xuân Lan, sinh ngày 8-9-1961, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH khóa XIII (Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu)

8. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, sinh ngày 23-5-1960, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa LB Đức (Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao giới thiệu)

9. Ông Nguyễn Trí Tuệ, sinh ngày 28-9-1963, Thẩm phán trung cấp, Ủy viên Ban cán sự đảng, Chánh Văn phòng Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ tổ chức – Cán bộ TANDTC kiêm trưởng khoa Đào tạo Thẩm phán Trường cán bộ Tòa án.

10. Bà Lương Ngọc Trâm, sinh ngày 10-8-1966, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa Tòa hình sự TANDTC

11. Ông Lê Văn Minh, sinh ngày 30-11-1964, Thẩm phán TANDTC, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC.

12. Ông Nguyễn Văn Du, sinh ngày 6-6-1963, Thẩm phán TANDTC. Chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

13. Ông Chu Xuân Minh, sinh ngày 20-1-1956, Thẩm phán TANDTC, Hiệu trưởng Trường cán bộ Tòa án, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

14. Ông Đặng Xuân Đào, sinh ngày 10-9-1955, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa Tòa Kinh tế TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

15. Ông Trần Văn Cò, sinh ngày 21-1-1958, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam