Quốc hội thảo luận về Dự án Luật trưng cầu ý dân

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 23/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật trưng cầu ý dân. Phạm vi trưng cầu ý dân là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7), Dự thảo Luật trưng cầu ý dân quy định: Các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Theo đại biểu (ĐB) Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Những vấn đề trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng, mang tầm quốc gia. Do vậy, chỉ nên thực hiện trên phạm vi cả nước. Còn những vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực hoặc một địa phương thì đã có cơ chế lấy ý kiến nhân dân. Ví dụ, lấy ý kiến nhân dân tham gia chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính, tham gia các dự án luật, như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai thời gian qua các địa phương đã làm. “Cơ chế này cũng rất tốt, đang phát huy rất hiệu quả quyền dân chủ của người dân”, ĐB Xuyền nói.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình). (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) lại cho rằng ngoài quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc như dự thảo Luật, cần có quy định trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức trưng cầu ý dân ở một số địa phương, nhằm tránh lãng phí và đảm bảo hiệu quả khi trưng cầu ý dân.

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị, trong dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi trưng cầu dân ý ở 2 phạm vi. Theo lý giải của ĐB Lai, có những vấn đề không thuộc phạm vi quốc gia, phạm vi 1 tỉnh mà thuộc phạm vi của nhiều đơn vị quản lý. Nếu trưng cầu ý dân trên cả nước sẽ dẫn đến kết quả trưng cầu không phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, quy định về quy trình thực hiện các trình tự, thủ tuc của cuộc trưng cầu ý dân như dự thảo Luật chỉ phù hợp với những vấn đề có tính chất lâu dài. Còn đối với những vấn đề bức xúc cần trưng cầu để thực hiện ngay trong thời gian ngắn thì sẽ không thể thực hiện được. “Cần nghiên cứu, bổ sung thêm chế định những trường hơp đặc biệt đối với những vấn đề bức xúc cần thực hiện trưng cầu ý dân ngay để thực hiện”, ĐB Thành Công kiến nghị.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị cần có điều tra xã hội học về vấn đề cần trưng cầu ý dân để đánh giá sự quan tâm của người dân đối với vấn đề cần trưng cầu.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, Luật phải quy định rõ hơn kết quả trưng cầu ý dân phải dược công bố, thông tin tuyên truyền cho người dân biết để thực hiện…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam