Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với việc cần thiết sửa đổi Luật Tố tụng hành chính để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tố tụng hành chính thực chất phần lớn là khiếu kiện của người dân với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền, do vậy cần đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án. Theo đó, việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính khả quan của bản án là hết sức quan trọng.
Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp phát biểu ý kiến tại Hội trường.
(Ảnh: TTXVN)
Góp ý cụ thể vào dự án luật, về quyền hạn của viện kiểm sát trong vụ kiện hành chính, nhiều ý kiến đề nghị, dự án luật cần quy định rõ nhiệm vụ của kiểm sát viên tham gia phiên tòa giải quyết án hành chính để tránh việc tham gia không đúng thẩm quyền, góp phần rút ngắn thời gian xét xử và tập trung vào các nội dung chính.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng: Xét về quyền hạn của Viện Kiểm sát trong vụ kiện hành chính cũng như dân sự, việc giới hạn nội dung phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát chỉ trong hoạt động kiểm sát sự tuân thủ pháp luật của hội đồng xử án, của thẩm phán chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện tố tụng là đủ, không nên quy định nội dung phát biểu ý kiến bao gồm cả đề nghị cách giải quyết cụ thể vụ án. Vì vậy, Đại biểu đề nghị sửa Khoản 3 điều 45 theo hướng, nhiệm vụ của kiểm sát viên gồm: tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính và phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính theo quy định của luật này.
Có nên tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi xét xử sơ thẩm khiếu kiện hành chính?
Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện còn nhiều ý kiến khác nhau, theo đó một số ý kiến cho rằng nên giao cho tòa án nhân dân cấp huyện. Cơ sở của quan điểm này là quá trình cải cách tư pháp, tòa án nhân dân cấp huyện đã được tăng cường thẩm quyền và đã được xét xử những bản án lên tới 15 năm tù ngang với tòa án cấp tỉnh, do vậy đủ thẩm quyền, năng lực để giải quyết. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, nếu giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện cho tòa án cấp huyện thì sẽ thiếu tính khách quan, khó đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, cần giao thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp tỉnh để đảm bảo tính minh bạch, khách quan.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) nêu quan điểm: Các khiếu kiện án hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện phần lớn là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai, đây là lĩnh vực khó, yêu cầu thẩm phán phải chuyên sâu, trong khi cơ cấu tổ chức tòa án cấp huyện theo luật tổ chức tòa án năm 2014 quy định tòa án cấp huyện không có tòa hành chính chuyên trách. Bên cạnh đó, thực tế giải quyết án hành chính trong những năm qua chưa cao, mặc dù số lượng án hành chính của tòa án cấp huyện giải quyết không nhiều, tuy nhiên tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa lại cao có thể có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân thẩm phán cấp huyện UBND cấp huyện.
Các đại biểu đồng tình với việc tăng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử các khiếu kiện của UBND cấp huyện, đồng thời một số đại biểu cho rằng do tòa án cấp huyện có những phụ thuộc nhất định vào UBND cấp huyện, vào việc tái bổ nhiệm thẩm phán, nên thẩm phán cấp huyện chưa đảm bảo tính độc lập nên dễ ảnh hưởng tới tính khách quan của bản án, khiến người dân không chấp thuận bản án đưa ra, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) phân tích: Từ quy định mới của Luật Đất đai năm 2013 có thể xác định hành vi hành chính, quyết định hành chính có liên quan đến việc đăng ký quyền sử dụng đất, do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc chi nhánh của các văn phòng đăng ký đất đai thực hiện phải thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đại biểu đề nghị Luật Tố tụng hành chính sửa đổi quy định theo hướng giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết hoàn toàn là phù hợp và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định rõ trong Hiến Pháp và phù hợp với quy định của luật đất đai năm 2013.
Cũng liên quan đến vấn đề về phân định thẩm quyền giữa tòa án cấp huyện và cấp tỉnh (Điều 33, 34), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, theo quy định hiện nay, các khiếu kiện hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết. Dự luật sửa đổi theo hướng giao quyền cho tòa án cấp tỉnh giải quyết (khoản 4 điều 34), vấn đề này, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại điều này, vì Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010 là bước tiến quan trọng cải cách tư pháp mở cửa hội nhập quốc tế, qua quá trình thực hiện, thấy luật từng bước thể hiện sự bình đẳng của công dân với pháp luật của nhà nước, nay cho rằng năng lực của các cán bộ thẩm phán cấp huyện còn hạn chế, án bị hủy cao hơn nên sửa luật điều 29, 30, luật hiện hành là không thuyết phục, đi ngược lại quá trình cải cách tư pháp đã được định hướng, đặc biệt là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về mở rộng thẩm quyền của tòa án cấp huyện.
Theo đó, sửa luật như trên là xây dựng luật theo hướng thụt lùi, không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời qua khảo sát, hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có bản lĩnh, lập trường rõ ràng và không ngại xét xử các vụ việc án hành chính của UBND, chủ tịch UBND cùng cấp khi có vi phạm.
Quy định chặt chẽ việc vắng mặt, ủy quyền của cơ quan hành chính khi bị kiện
Liên quan đến việc ủy quyền của cơ quan hành chính khi bị kiện, Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) chia sẻ: Bên bị kiện là cơ quan hành chính thường có đơn xin vắng mặt khiến việc xét xử diễn ra khó khăn, khó sáng tỏ nội dung của người đi kiện. Do vậy, dự thảo cần có quy định bắt buộc bên bị kiện phải tham gia. Nếu vắng mặt thì bên bị kiện sẽ mất quyền phản đối với tình tiết bên kiện đưa ra. Trường hợp cơ quan bị kiện không thể tham gia thì phải có sự ủy quyền để tham gia phiên tòa.
Các Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh), Phạm Văn Hà (Nghệ An) đều cho rằng, trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện vắng mặt thì cần phải ủy quyền cho người trực tiếp xử lý vụ việc.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phân tích, bản chất của các vụ kiện hành chính là dân kiện “quan” vì người ra các quyết định hành chính là “quan”, do vậy, việc xét xử sao cho chính xác, khách quan cần đặt ra, do vậy, hội đồng xét xử cần điều hành sao để bên khởi kiện và bên bị kiện đều có thể trình bày được các chứng cứ của mình. Tuy nhiên, nếu không cho phép người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền tại các vụ kiện thì sẽ khó khăn vì họ có nhiều việc. Tuy nhiên, việc ủy quyền phải được thực hiện với người có trách nhiệm chứ không phải ủy quyền cho người đến tham dự, để nghe và về báo cáo, xin phép người ủy quyền. Do đó, nên quy định phải ủy quyền cho cấp phó vì đó là người có trách nhiệm trong việc xử lý, nếu cấp phó nói rằng không biết là không ổn.
Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng tập trung góp ý kiến về việc rút gọn thủ tục giải quyết án hành chính, về việc ủy quyền cho người có thẩm quyền tham gia xét xử./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam