Có nên thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phí và lệ phí. Về một số khoản phí, lệ phí cụ thể, đặc biệt là việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường và hè phố, nhiều đại biểu nêu ý kiến không đồng tình.

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội (ĐB) tán thành với việc nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật Phí, lệ phí nhằm khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.

Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) việc loại bỏ các loại phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng góp phần nâng cao mức sống cho người dân đặc biệt là người dân vùng nông thôn là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay đang tồn tại rất nhiều các loại phí không cần thiết gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển xã hội. Câu chuyện một con gà phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận tại phiên chất vấn ngày 11/6 vừa qua là một minh chứng cụ thể, ĐB Trần Quốc Tuấn nêu rõ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh). (Ảnh: TTXVN)

Về danh mục phí, lệ phí quy định tại dự thảo, ĐB Trần Quốc Tuấn cho rằng danh mục phí, lệ phí quy định tại dự thảo đã xác định rõ ràng các loại phí, dịch vụ công nhằm cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao nhất cho người dân. Đồng thời, nhiều khoản phí đã được chuyển sang cơ chế giá để phù hợp với luật chuyên ngành đã ban hành đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Tuy nhiên ĐB đề nghị Luật Phí và lệ phí cần phải có nguyên tắc phân cấp rõ ràng để quy định cụ thể về danh mục phí và lệ phí; loại nào là do Chính phủ quy định, loại nào là do Chính phủ phân cấp cho các bộ, ngành và các bộ, ngành đó được quy định những loại phí nào, còn loại nào do chính quyền địa phương quy định? Như vậy sẽ dễ dàng thực hiện hơn, vì một khi phân cấp không rõ ràng sẽ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng các nguồn thu từ các loại phí và lệ phí.

Về một số khoản phí, lệ phí cụ thể, đặc biệt là việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường và hè phố, nhiều ĐB không đồng tình và cho rằng quy định này có thể dẫn đến việc lấn chiếm lòng đường, hè phố. Trong khi, Luật Giao thông đường bộ đã quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Do vậy, nếu quy định thu phí sẽ gây mâu thuẫn, khẳng định vỉa hè, lòng đường được sử dụng cho mục đích khác. Nhiều ĐB cũng cho rằng, tại các đô thị thì việc thu các khoản này là khả thi, song có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, không phải nơi kinh doanh để thu phí, vì vậy, không nên quy định thu phí mà cần trả lại đúng vị trí của lòng đường, hè phố.

Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), dự thảo Luật Phí và lệ phí cần bổ sung một chương quy định các khoản phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đã được kiến nghị nhiều nhưng chưa được thay đổi như phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường, hè phố… Việc cụ thể hóa các loại phí này trong Luật không chỉ giải quyết được bức xúc của cử tri mà còn góp phần tăng chi cho ngân sách, các dịch vụ công được cung cấp tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với phí sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường và hè phố là một vấn đề bất cập tại các đô thị lớn. “Thực tế hiện nay, lòng lề đường và vỉa hè được các tổ chức cá nhân sử dụng nhưng ai thu phí? Thu có đúng quy định pháp luật hay không rất khó thống kê”, ĐB cho biết.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng đề xuất, nếu nhu cầu sử dụng lòng, lề đường và vỉa hè là tất yếu đối với các đô thị lớn, cần phải có quy định cụ thể khu vực nào tuyệt đối không được buôn bán, khu vực nào được phép bố trí một số hoạt động kinh doanh nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Trong trường hợp cho phép sẽ thu phí thì phải quy định cụ thể mức thu là bao nhiêu và ai thu phí. Nếu làm tốt điều này sẽ rõ ràng minh bạch, tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, lập lại trật tự khu vực vỉa hè, tạo môi trường cảnh quan đô thị.

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa, (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nếu đặt ra vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình chung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở lòng, lề đường và hè phố. Ở các thành phố lớn, nguồn thu này rất lớn, chưa đề cập đến những tuyến đường như quốc lộ, tỉnh lộ bị người dân lấn chiếm lâu ngày lại phải bù một khoản ngân sách rất lớn để giải tỏa. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại, vừa làm mất mỹ quan.

Cũng đề cập đến những khoản phí không hoàn toàn hợp lý là phí sử dụng tạm lòng, lề đường, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, khoản phí này cũng sẽ tạo sự hiểu nhầm là cho phép sử dụng lòng, lề đường. Như vậy sẽ gây mất mỹ quan và cần có lộ trình chấm dứt.

Về việc thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung nguyên tắc thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai, minh bạch và thống nhất trong quản lý, sử dụng. Theo ĐB, quy định nguyên tắc này là vì phí, lệ phí liên quan đến dịch vụ công được thực hiện rộng rãi và trực tiếp tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, xã hội nên chế độ thu nộp, sử dụng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Đó là việc thu phí, lệ phí phải bảo đảm hợp lý khoản mục thu, mức thu nộp; bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng tận thu, lạm thu và lãng thu; bảo đảm phân bổ và sử dụng hợp lý, quản lý thống nhất quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quyết định thu, sử dụng nguồn phí, lệ phí; bảo đảm công khai minh bạch.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam