Cách nhận biết SGK giả
SGK giả được sao chụp lại SGK chính làm bản kẽm để in hàng loạt, vì vậy nhìn sơ qua thì sách thật, sách giả không dễ phân biệt. Nhưng quan sát kỹ cũng có thể nhận biết. Đó là hình ảnh của sách giả rất nhòe. Có hình chỉ là một khối màu đen trên trang giấy. Kênh chữ thường mờ hơn. Đặc biệt đối với sách bài học Tiếng Anh lớp 3 dùng cho học sinh, nếu sách thật, ngoài tem chống giả còn có thẻ cào hình chữ nhật, dán ở cuối trang bìa 4, sách giả không có loại tem này. Đối với sách Vở bài tập Toán, các khung hình ca-rô dùng để minh họa hình thường mờ, hình minh họa đậm, nổi bật, học sinh rất dễ quan sát. Còn sách giả, các nét của hình ca-rô nét đậm gần như nét của hình minh họa làm cho học sinh rất khó quan sát. Cũng cuốn sách Tiếng Anh lớp 3, cuốn sách thật của Nhà xuất bản Giáo dục dày gấp rưỡi cuốn SGK giả.
Các em học sinh mua sách giáo khoa chuẩn bị bước vào năm học mới 2015-2016. Ảnh: Sơn Ngọc
Nguy hại của SGK giả
Không ít người quan niệm, SGK thật và giả cũng như nhau, có khác gì đâu, thực tế không phải vậy. Thực tế, SGK giả mắc rất nhiều lỗi. Hình ảnh in nhòe, khó nhận biết, lại thiếu thẩm mỹ. Chẳng hạn cuốn Vở bài tập Toán 3 (tập 2), có ảnh minh họa của bài toán là một chiếc bàn và 4 chiếc ghế, thế nhưng cuốn SGK giả hình chỉ là một chiếc mặt bàn trong một khối màu đen mà chẳng thấy ghế đâu. Nhiều loại SGK giả kênh chữ rất mờ, thiếu nét. Thậm chí, nhiều trang còn mất nhiều chữ. Cuốn bài tập Tiếng Anh 8 giả, hầu như trang nào cũng có lỗi, trang nào cũng có chữ bị in mờ, hoặc thiếu nét. Riêng trang 23, cả 4 hàng đầu đều mất chữ cuối cùng. Như vậy, học sinh làm sao có thể học được? Đó là chưa kể các hình minh họa của SGK giả in lem nhem, thiếu thẩm mỹ, ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Nhiều loại SGK giả được in giấy mỏng hơn rất nhiều so với SGK thật.
Hữu Lợi