Người thầy giáo yêu nghề, vượt khó sáng tạo

(NTO) Đó là thầy giáo Thiều Quốc Tuấn, giảng viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Theo học chuyên ngành Công nghệ ô tô tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006 tốt nghiệp về nhận công tác tại Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề tỉnh. Hiện nay là Tổ trưởng Công nghệ ô tô của Nhà trường.

Trong tình hình trang thiết bị kỹ thuật giảng dạy bộ môn công nghệ ô tô của trường chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học, để học viên nắm tốt lý thuyết và thực hành cần phải có đồ dùng dạy học phù hợp. Trước nhu cầu thực tế, anh ấp ủ hình thành ý tưởng rồi tìm đọc các loại tài liệu, đề tài liên quan và phác thảo đề cương nghiên cứu. Sau khi có đề cương sơ bộ, anh gặp gỡ xin ý kiến các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện và sắp xếp lại nội dung một cách hợp lý, logic. Trong quá trình thực hiện nảy sinh khá nhiều khó khăn như khối lượng công việc khá lớn, tốn nhiều thời gian, linh kiện phải vào thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm mua. Anh tổ chức nhóm gồm những người bạn cộng sự cùng quan điểm để có thể sắp xếp thời gian thực hiện công việc nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho đề tài của mình. Quá trình làm việc nhóm, anh luôn lắng nghe, chủ động tìm hiểu nguyên nhân giải quyết những vướng mắc, khuyến khích, tạo động lực cho cả nhóm cùng vượt qua khó khăn. Để đề tài phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và đạt được các mục tiêu đề ra, anh mời học viên tham gia và có ý kiến phản hồi từ đó định hình cho sản phẩm giải quyết được các vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, anh tham khảo các sản phẩm tương đương đã có trên thị trường, các sản phẩm ở các cơ sở đào tạo khác để tìm ra mặt được và mặt hạn chế của những sản phẩm này để rút kinh nghiệm cho sản phẩm của mình trong quá trình thực hiện. Sau mỗi giai đoạn thực hiện sản phẩm, anh tranh thủ ý kiến hội đồng khoa học nghiệm thu của trường và kịp thời sửa đổi những nội dung chưa phù hợp. Sản phẩm sau khi hoàn thành được đưa vào thử nghiệm, lấy ý kiến đánh giá của đồng nghiệp và người học thông qua phiếu đánh giá để hoàn thiện lần cuối trước khi đưa vào sử dụng.

Nhờ tận tâm với công việc giảng dạy cùng tinh thần sáng tạo vượt khó, trong thời gian công tác tại trường anh đã có một số đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được hội đồng khoa học và đào tạo nhà trường đánh giá cao như: Năm 2010, thiết kế và chế tạo mô hình “Góc đặt bánh xe”, mô hình này tham gia Hội thi Thiết bị dạy học tự làm toàn quốc năm 2010 đạt giải ba, được Bộ trưởng Bộ Lao động, TBXH tặng bằng khen; Năm 2013, thực hiện đề tài “Cải tiến mô hình Hệ thống Phun xăng điện tử Toyota 1SZ-FE”, tham gia Hội thi Thiết bị dạy học tự làm toàn quốc năm 2014 đạt giải nhì. Ngoài ra anh còn viết chương trình thu thập và hiển thị dữ liệu làm việc của các cảm biến trên động cơ phun xăng điện tử bằng phần mềm Labview phục vụ cho công tác giảng dạy.

Việc nghiên cứu chế tạo, cải tiến thành công các mô hình kỹ thuật phục vụ dạy học không chỉ tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng mà còn giúp cho Nhà trường chủ động trong công tác giảng dạy. Những thiết bị dạy học của anh còn giúp học viên tiếp thu kiến thức nhanh, chính xác, sát với thực tế sản xuất do đó kỹ năng được hình thành tốt hơn và học viên ra trường có việc làm chiếm tỉ lệ cao. Không bằng lòng với những gì đã có, hiện anh có ý tưởng cùng với đồng nghiệp nghiên cứu chế tạo phương tiện đi lại của cá nhân sử dụng nguồn năng lượng sạch là ánh sáng mặt trời. Anh là Nhà giáo yêu nghề, vượt khó sáng tạo vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh nhà.