Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt như yêu cầu
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi, tình hình tham nhũng còn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện gây ra thất thoát lớn tài sản lớn của nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Để giải quyết tham nhũng có hiệu quả, đem lại lòng tin cho nhân dân đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý được bao nhiêu vụ? tài sản tham nhũng thu hồi được bao nhiêu? Và Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ nào để trong thời gian tới tình hình tham nhũng có chuyển biến rõ rệt?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, theo báo cáo của Chính phủ đã trình, trong thời gian qua chúng ta đã làm rất quyết liệt, đạt được nhiều thành quả tích cực trên nhiều mặt, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như yêu cầu. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Cụ thể, năm 2014, chúng ta đã điều tra khám phá, xét xử 256 vụ, với 593 bị can, tăng 25 vụ và 25 bị can. Về tài sản thu hồi, Ủy ban Phòng, chống tham nhũng vừa họp mới đây đưa ra con số, năm 2013 đạt trên 10%, nhưng năm 2014 với nhiều vụ án lớn đã đạt trên 22%.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra nhiều giải pháp lớn. Đó là Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện thể chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng để cán bộ không thể, không dám, không nên tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm toán để phát hiện các dấu hiệu tham nhũng; xét xử nghiêm minh các trường hợp đã phát hiện; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tham nhũng; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Qua đó, công tác này đã có chuyển biến bước đầu trong thời gian qua.
Tăng cường kiểm soát nợ công, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: mặc dù Chính phủ báo cáo vấn đề nợ công tuy cao, tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn theo Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên cử tri vẫn rất lo lắng về tình hình nợ công, đại biểu Quốc hội thì thậm chí lo âu, lo ngại. Vậy tại sao lại có sự lỗi nhịp suy nghĩ về nợ công ở nước ta hiện nay? Chính phủ đã và đang triển khai giải pháp gì để đem lại sự an toàn, sự an dân trong vấn đề an toàn nợ công?
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng cho hay, tỷ lệ nợ công trên GDP của các nước khác nhau, như Nhật Bản, tỷ lệ này đến 300%. Quan trọng nhất là đánh giá khả năng vay và trả nợ thế nào chứ không chỉ nhìn vào khoản vay. Ở Việt Nam, tỷ lệ nợ công tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện nay đã đến 62% GDP, trong khi giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP. Vậy nên Chính phủ cũng rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô nợ công.
Mặt khác, Phó Thủ tướng khẳng định, hiện Chính phủ tăng cường quản lý nợ công, nhất là với các khoản vay mới, tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, cố gắng cho vay lại và đảm bảo trả nợ. Môi trường đầu tư kinh doanh tốt, hệ thống tín dụng cao thì vay mới dễ được. Những giải pháp là tạo điều kiện tốt để kiểm soát nợ công.
Vấn đề thứ hai, đại biểu Trần Hoàng Ngân hỏi, đó là theo báo cáo của Chính phủ, cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ kết thúc ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho đất nước nhưng vẫn đáng lo lắng vì trước khi gia nhập WTO năm 1997, kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh và ổn định nhưng sau khi gia nhập thì lại rất nhiều vấn đề. Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm như thế nào về sự hội nhập vừa qua để Việt Nam không bị khủng hoảng hay bất ổn sau mốc hội nhập năm 2015 tới đây?
Liên quan đến câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ khi chúng ta gia nhập WTO năm 2007, ngay năm 2008 chúng ta đã bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, bắt nguồn từ Mỹ, Châu Âu rồi lan ra toàn cầu. Chúng ta đã phải đương đầu với khủng hoảng kéo dài trong nhiều năm. Nhưng cái chính là do tích tụ nền kinh tế trong nhiều năm còn nhiều bất cập. Trong đó có lý do quan trọng là doanh nghiệp trong nước còn bị động, kinh nghiệm chỉ đạo lúc bấy giờ còn nhiều lúng túng khi gia nhập WTO và cách ứng phó chưa linh hoạt nên đã lâm vào khủng hoảng cùng với thế giới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, rút kinh nghiệm từ việc này, ngay từ bây giờ chúng ta phải tích cực chủ động hội nhập; phải nâng cao nhận thức về những thuận lợi cũng như thách thức mà TPPP và FTA đem lại. Rõ ràng đó là một thời cơ rất lớn nhưng cũng là một nguy cơ có thể thua ngay trên sân nhà nếu chúng ta không trang bị kiến thức, đổi mới, đặc biệt là khoa học và công nghệ, giá thành sản phẩm… để vững vàng hội nhập. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế mà trước hết cần phải đổi mới thể chế pháp luật, tái cơ cấu nền kinh tế để đón nhận thời cơ này phát triển kinh tế - xã hội.
“FTA sẽ mang lại lợi thế lớn cho đất nước nếu có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đổi mới, sẵn sàng của người dân, doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Chủ trương tạm trữ lúa gạo để nông dân không bị ép giá
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) đặt câu hỏi về chủ trương tạm trữ lúa gạo của Chính phủ thời gian vừa qua người nông dân không được hưởng lợi nhiều, và đây chỉ là giải pháp tình thế. Vậy Chính phủ sắp tới sẽ có giải pháp căn cơ gì để giải quyết khó khăn cho người trồng lúa?
Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là một chủ trương cần thiết trong khi vụ lúa đang chín rộ để làm sao giá cả không bị giảm. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhờ chủ trương này mà vụ mùa vừa qua người dân không bị ép giá. Về ý kiến tại sao Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để làm việc này có lợi hơn cho bà con, Phó Thủ tướng cho rằng, vì người dân không có kho để dự trữ, để chống ẩm, chống mốc thì gạo chất lượng kém; hơn nữa, người nông dân không có năng lực tài chính để mua tích trữ gạo, trong khi Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ lãi suất cho vay. Mà ở Đồng bằng sông Cửu long có hàng vạn hộ dân nên việc này rất khó thực hiện, nên nhà nước phải dùng nguồn lực từ tư nhân để làm việc này. Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu long đã có nhiều hộ gia đình tạm trữ được số lượng rất lớn, từ 500- 1 nghìn tấn thóc. Dù vậy, Chính phủ vẫn tiếp tục lắng nghe các ý kiến khác nhau để thực hiện chủ trương tạm trữ lúa gạo đạt hiệu quả nhất.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, thời gian qua, dư luận cử tri và xã hội bất bình vì một bộ phận cán bộ công chức "xa dân, gần quan", quan cách, hách dịch… quên mất trong bộ nhớ 2 từ “cảm ơn”, “xin lỗi” trong công việc. Chính phủ có giải pháp căn cơ nào để cải cách bộ máy cán bộ công chức, để đúng là công bộc của dân?
Phó Thủ tướng cho hay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có gần 4 triệu người liên quan đến phục vụ nhân dân, chưa kể lực lượng vũ trang. Nếu đội ngũ này làm tốt sẽ là sức mạnh to lớn để đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn đạt được hiệu quả tốt nhất. Chính vì vậy, cán bộ phải tận tụy, gương mẫu, phải lễ phép phục vụ nhân dân. Đây là một yêu cầu rất lớn hiện nay. Về tình trạng có một bộ phận cán bộ "xa dân, gần quan", Phó Thủ tướng cho rằng đây thuộc về đạo đức công vụ mà Chính phủ đã nhiều lần đề cập tới các biện pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này.
Tới đây, Chính phủ sẽ có một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới trong việc thực hiện chế độ công chức, công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế; đặc biệt tổ chức thi tuyển để tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân; đi liền với nó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá bình chọn kịp thời để đưa cán bộ không đạt yêu cầu về đạo đức, năng lực, không thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình ra khỏi bộ máy, để làm bộ máy ngày càng trong sạch, phục vụ tốt nhân dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) về các biện pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, Phó Thủ tướng cho biết: Chúng ta có gần 500.000 doanh nghiệp và 4 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp của chúng ta quy mô nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao vì môi trường kinh doanh chưa tốt, môi trường pháp lý còn nhiều bất cập nên một số doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư để có lợi cho mình, cho đất nước.
Để phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải tốt hơn, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, tiếp tục cải cách hành chính tạo môi trường tốt hơn để doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp tư nhân./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam