Huy động cả hệ thống chính trị cho công tác chống hạn

(NTO) Từ đầu năm đến nay, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt. Ngày 9-6, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1282/QĐ-UBND công bố thiên tai (hạn hán) xảy ra từ ngày 1-1-2015 trên địa bàn tỉnh. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Bình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mức độ ảnh hưởng của hạn hán đối với sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh thời gian qua?

Đồng chí Lê Văn Bình: Như chúng ta đã biết, từ vụ hè-thu năm 2014 đến nay, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng và hết sức gay gắt. Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2015, tỉnh đã xác định việc triển khai công tác chống hạn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách và ưu tiên hàng đầu trong năm, do đó cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đều tập trung tổ chức triển khai; huy động và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, với quyết tâm: Không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt; không để gia súc thiếu thức ăn, nước uống; không để phát sinh dịch bệnh trên người và vật nuôi. Theo đó, đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các giải pháp, công việc cụ thể để ổn định đời sống Nhân dân, vận chuyển nước sinh hoạt cung cấp cho Nhân dân vùng thiếu nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, tập trung cho những vùng có nước tưới, di chuyển đàn gia súc đến nơi có nước; hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt, nơi không sản xuất,… để Nhân dân ổn định đời sống, quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Thực tế diễn biến tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt trên diện rộng trong thời gian qua nên đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh, cụ thể: Ở những vùng không chủ động nước tưới, Nhân dân không sản xuất liên tục kể từ vụ hè-thu năm 2014 cho đến nay, những hộ thuộc diện nghèo cần được hỗ trợ lương thực để cứu đói. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai 2 đợt hỗ trợ 832 tấn gạo cứu đói cho 12.601 hộ/54.867 khẩu. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ 2.000 tấn gạo đợt 3 cho 19.997 hộ/89.403 khẩu trên địa bàn các huyện.

Đoàn Thanh niên khối Doanh nghiệp tỉnh cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân thôn Nha Húi
(xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn).Ảnh: DA

Đến nay, có 5.497 hộ/23.130 khẩu/19 thôn/7 xã trên địa bàn 4 huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải thiếu nước sinh hoạt. Các sở, ngành, chính quyền địa phương đã và đang hỗ trợ vận chuyển để cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân (mỗi người được cấp từ 25-30 lít nước/ngày).

Tính đến ngày 10-6-2015, số gia súc có sừng chết là 1.508 con (trâu, bò 110 con; dê, cừu 1398 con), nguyên nhân chủ yếu là dê, cừu non do thiếu sữa mẹ; một số trường hợp gia súc chết do suy kiệt cơ thể, rối loạn tiêu hóa. Diện tích cây trồng vụ đông-xuân năm 2014-2015 bị thiệt hại 100% là 501ha, diện tích bị giảm năng suất là 1.578ha; tổng diện tích phải dừng sản xuất vụ đông-xuân năm 2014-2015 do thiếu nước tưới là 6.100ha. Với thực tế tình hình hạn hán như hiện nay, diện tích gieo trồng vụ hè-thu năm 2015 chỉ bố trí sản xuất 16.179ha, tổng diện tích phải ngừng sản xuất do thiếu nước là 10.229ha (lúa 5.023ha, cây trồng cạn 5.206ha).

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong thời gian tới, theo dự báo, tình hình hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt hơn, vậy tỉnh ta có những giải pháp gì nhằm tiếp tục ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là Nhân dân ở những vùng tâm hạn?

Đồng chí Lê Văn Bình: Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng đến giữa tháng 9-2015 mới bắt đầu vào mùa mưa, vì vậy nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nước uống, thức ăn cho gia súc và nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ ngày càng nghiêm trọng và hết sức gay gắt. Do đó, UBND tỉnh xác định công tác chỉ đạo chống hạn trong thời gian tới sẽ phải quyết liệt hơn, với tinh trần hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, an sinh xã hội, nhất là Nhân dân ở những vùng tâm hạn, với mục tiêu là: Không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt; không để gia súc thiếu thức ăn, nước uống; không để phát sinh dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Cụ thể, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 66-CT/TU ngày 4-3-2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi duy trì mức xả nước từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim theo từng thời kỳ, thời điểm, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong đó, ưu tiên hàng đầu nguồn nước phục vụ dân sinh, nước uống cho gia súc và nguồn nước tưới cho những diện tích gieo trồng trong kế hoạch. Đối với diện tích gieo trồng vụ hè-thu, tổ chức rà soát để cân đối nguồn nước cung cấp cho các diện tích gieo trồng trong kế hoạch có nước tưới, không sản xuất ở những vùng không chủ động nước. Tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả được Nhân dân thực hiện thời gian qua ở một số địa phương; tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình, các chủ trương, giải pháp của tỉnh trong công tác ứng phó với tình hình hạn hán hiện nay, để tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân. Nhất là tuyên truyền, phổ biến các mô hình hay, cách làm tốt để ứng phó với tình hình hạn hán, khuyến cáo Nhân dân những việc cần làm trong tình hình hạn hán (như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giảm tối đa diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây trồng cạn, ít sử dụng nước, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; mô hình tưới tiết kiệm nước; cách chế biến những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; di chuyển đàn gia súc ở những nơi khô hạn về những nơi có nguồn nước uống, thức ăn cho gia súc; sử dụng nước tiết kiệm và chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt và sản xuất,...) để Nhân dân biết, thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Trung (Bác Ái), hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Kháng (Thuận Bắc) và tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước ổn định cho Nhân dân. Trước mắt, tiếp tục hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho 5.497 hộ/23.130 khẩu/19 thôn/7 xã trên địa bàn 4 huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải và một số khu vực phát sinh (nếu có).

Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, bám sát tình hình, rà soát kỹ để tổ chức hỗ trợ kịp thời gạo cứu đói và nguồn kinh phí chống hạn của Trung ương để giúp Nhân dân sớm khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống: Hỗ trợ thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thức ăn cho gia súc; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng,… Đồng thời, tăng cường vận động, huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho Nhân dân vùng hạn hán. Để xử lý các trường hợp phát sinh cấp bách, ngoài nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, các huyện chủ động sử dụng nguồn kinh phí của địa phương kịp thời triển khai một số nhiệm vụ đột xuất, cấp bách để công tác chống hạn đạt hiệu quả cao nhất.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, hồ, ao hiện có trên địa bàn tỉnh để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân; tăng cường giám sát vệ sinh dịch tễ, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trên người, vật nuôi.

Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh bị đói, thiếu nước sinh hoạt, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng trọng điểm hạn hán đang diễn ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp duy trì chế độ họp giao ban hàng tuần với các ngành, địa phương nhằm nắm bắt tình hình triển khai các công tác khắc phục hạn hán; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt các công việc chống hạn.

Các Tổ công tác chống hạn của UBND tỉnh (đứng đầu Tổ công tác là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình và công tác chống hạn tại các địa phương theo sự phân công để nắm bắt và giải quyết công việc kịp thời.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc phỏng vấn này.