|
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh |
Phóng viên: Bác sĩ có thể cung cấp một số thông tin cần thiết giúp người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh MERS-CoV?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Bệnh MERS-CoV hay còn gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông, do vi-rút corona gây nên. Kết quả nghiên cứu cho thấy loại vi-rút này tồn tại trong tự nhiên trên cơ thể loài lạc đà. Đây là loại động vật phổ biến tại các nước Trung Đông, rất gần gũi với con người, ngoài ra còn để phục vụ khách du lịch. Bệnh lây từ động vật sang người, rồi từ người sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc nước bọt, dịch tiết của vật chủ mang mầm bệnh, người mắc bệnh, do đó rất dễ bùng phát thành dịch.
Phóng viên: Điều mà người dân lo lắng đó là bệnh nhân MERS-CoV không có triệu chứng điển hình mà cũng giống như triệu chứng một số bệnh hô hấp thông thường, vậy bác sĩ có cảnh báo gì để người dân có thể phát hiện bệnh sớm và cách phòng ngừa như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Bệnh nhân nhiễm MERS-CoV có những triệu chứng: sốt, ho, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở… những triệu chứng này rất giống với triệu chứng của các bệnh hô hấp thông thường khác. Tuy nhiên, để giúp chúng ta định hướng đến trường hợp có khả năng nhiễm MERS-CoV, ngoài các triệu chứng lâm sàng nói trên, cần phải xác định thông tin của bệnh nhân liên quan đến yếu tố dịch tễ: Trước đó, bệnh nhân đã từng ở vùng dịch hay không, hay có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm MERS-CoV không? Nếu xác định không có các yếu tố trên thì việc nhiễm MERS sẽ bị loại trừ. Vì đến nay, nước ta chưa phát hiện mầm bệnh tồn tại trong tự nhiên. Đây là bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào. Vậy nên người dân không nên quá hoang mang.
Bất cứ ai cũng đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao, đặc biệt đối với những trường hợp có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận, người già, trẻ em, những trường hợp có sức đề kháng yếu thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Nguy hiểm là mặc dù trong thời gian ủ bệnh, bệnh cũng có thể lây truyền. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin phòng ngừa, chính vì vậy biện pháp duy nhất để phòng bệnh là người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn trước khi ăn, sau khi tiếp xúc, chế biến thực phẩm, súc họng thường xuyên bằng nước sát khuẩn miệng. Khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh cần đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách an toàn. Cán bộ y tế phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân để tránh lây nhiễm khi tiếp xúc, khám, điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh MERS-CoV. Người dân hạn chế tối đa đi đến vùng có dịch. Trong trường hợp đang ở trong vùng dịch, hoặc mới từ vùng dịch trở về, hoặc có tiếp xúc với người nhiễm bệnh nếu xuất hiện một trong những triệu chứng của bệnh như đã nêu trên, cần phải đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Phóng viên: Ngành Y tế đã chuẩn bị gì cho công tác phòng ngừa, ứng phó khi có dịch?
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Để ngăn ngừa, quản lý các trường hợp nhiễm bệnh từ các nước khác vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có sân bay, cửa khẩu, biên giới phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh; duy trì khai báo y tế, giám sát tại nơi lưu trú đối với hành khách đến từ vùng dịch… Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế xử lý kịp thời nếu nghi ngờ hay ghi nhận có trường hợp nhiễm bệnh. Tỉnh ta không có biên giới, cửa khẩu, sân bay nên xác suất xuất hiện bệnh thấp hơn.
Hiện Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch chủ động ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, ngành đưa ra 4 tình huống và các giải pháp xử lý. Cụ thể, tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; tình huống 2: Đã ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam nhưng chưa xuất hiện ca bệnh tại Ninh Thuận; tình huống 3: Xuất hiện các ca bệnh ở một số địa phương trong tỉnh và tình huống 4 là dịch lây lan trong cộng đồng. Hiện tỉnh ta đang ở trong tình huống 1. Đối với tình huống này, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng ngừa, ngành Y tế tham mưu tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan tăng cường công tác giám sát, nắm bắt thông tin đối với những trường hợp từ các nước có vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam, đến công tác, du lịch tại tỉnh ta, hoặc những lao động trở về từ những vùng có dịch… để theo dõi, thực hiện tốt công tác dự phòng. Ngành Y tế chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực, vật tư, hóa chất, phương tiện sẵn sàng thu dung cách ly, điều trị và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra; bố trí khu điều trị, cách ly bệnh nhân nghi ngờ nhiễm MERS-CoV ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tổ chức lớp tập huấn cập nhật các hướng dẫn thực hiện phác đồ dự phòng, điều trị của Bộ Y tế cho cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
Uyên Thu (thực hiện)