Chủ động ứng phó với dịch MERS!

(NTO) Thời gian gần đây, không ít người dân trong đó có tỉnh ta đã tỏ ra lo ngại trước bệnh dịch viêm đường hô hấp MERS đã và đang có chiều hướng lan rộng ở một số quốc gia. MERS là từ viết tắt của Middle East Respiratory Syndrome (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông). Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, MERS là bệnh truyền nhiễm nhóm A do một chủng virus mới của họ corona gây nên (MERS-CoV), tương tự như virus gây SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng).

Theo các chuyên gia ngành y tế, Virus MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa virus chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày.

 
Ảnh minh họa.

Virus MERS-CoV có thể gây bệnh nặng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu, người già và người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, ung thư, phổi mãn tính. Tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 35-40%. Đến nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có văcxin phòng bệnh. Ca bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào tháng 4-2012 tại Arabia Saudi. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay đã có trên 1.210 ca mắc, ít nhất 448 người đã tử vong tại 26 quốc gia. Trong đó vùng Trung Đông bệnh xuất hiện ở 9 quốc gia; Mỹ và Châu Âu: 12 quốc gia, Châu Á có 4 quốc gia ghi nhận bệnh nhân MERS gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia. Tại Hàn Quốc, tính đến ngày 9-6 đã ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong và thêm 8 trường hợp nhiễm MERS mới. Như vậy, tính từ khi ca nhiễm MERS đầu tiên được ghi nhận vào ngày 20-5, Hàn Quốc đã có 7 ca tử vong vì căn bệnh này và 95 người nhiễm virus MERS. Đối với Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS – CoV, tuy nhiên dịch MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan qua công dân trở về từ vùng có dịch, công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam. Tại hội nghị trực tuyến tập huấn về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức với sự tham gia của cơ sở y tế 63 tỉnh, thành tại 63 điểm cầu vào chiều 8-6 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam khá cao. Hằng ngày có nhiều chuyến bay trực tiếp giữa 2 nước, ước tính ít nhất có 100.000 người Việt Nam sống tại Hàn Quốc, tương tự chừng ấy người Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam. “Khả năng dịch vào nước ta là có, bằng mọi giá không chủ quan lơ là mà phải quyết liệt ngay từ đầu…”- Bộ trưởng nói. Trong trường hợp bệnh MERS xuất hiện tại Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu phải “phát hiện sớm, bao vây, dập tắt dịch, không cho lan rộng”. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, với số lượng gần 3.000 hành khách Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam mỗi ngày, ca nhiễm MERS đầu tiên sẽ không hẳn ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà có thể ở các địa phương khác. Vì thế, đề nghị tất cả địa phương không được chủ quan, không được nghĩ mình không có nguy cơ; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. “ Đối phó với dịch phải hết sức nhanh chóng, không thể có ca bệnh mới họp, phân công”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.

2. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

5. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.

6. Những người trở về từ khu vực Trung Đông, trong 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-Cov.

Với tinh thần chủ động ứng phó, không để “nước đến chân mới nhảy”, hy vọng rằng người dân cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng không vướng vào loại bệnh mới khởi phát nhưng khó trị này.