Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, thời trẻ chị Tân tham gia thanh niên xung phong. Năm 1973, chị được tổ chức cử đi học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Đồ Sơn (Hải Phòng), chuyên ngành sản xuất muối. Ra trường thời bao cấp khó khăn, chị nhận nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật cho các xí nghiệp sản xuất muối từ Bắc tới Nam. Là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối, chị Tân đã biết khai thác tối đa lợi thế khu vực ven biển Ninh Hải phát triển nghề làm muối. Để thực hiện khát vọng “biến nước biển thành vàng”, năm 2000, chị quyết định thuê 2,4ha đất cát bỏ hoang ở khu vực Đầm Vua (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cải tạo thành ruộng sản xuất muối. Với phương pháp “kê bùn trên cát”, ruộng muối của chị cho sản lượng cao, chất lượng tốt. Năm 2014, khi tích lũy được một số vốn, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích ruộng muối ở nơi “không ai ngờ tới”, đó là khu vực rẫy núi Quýt, xã Tri Hải.
Chị Trần Thị Tân.
Chị Tân tâm sự: Khu vực dưới chân núi Quýt khô cằn, nhiều năm liền bỏ hoang không sản xuất. Khi tôi đưa ra ý tưởng chuyển đất màu ven núi sang làm muối nhiều người cho là “hoang tưởng” bởi khu vực này có độ cao từ 20-40m so với mặt nước biển, cách xa biển từ 3-4km, nên việc khai thác nguồn nước mặn phục vụ sản xuất muối sẽ rất khó khăn. Mặt khác, chất đất ở đây có độ thẩm thấu cao, nên cải tạo xây dựng ruộng muối đòi hỏi kinh phí lớn. Để có tiền thực hiện hoài bão của mình, tôi đã vận động người thân hợp lực liên kết đóng góp vốn làm ăn, thành lập Tổ hợp tác sản xuất muối.
Không thể nói hết khó khăn trở ngại trong những ngày đầu khởi nghiệp, nhưng nhờ có hoạch định sản xuất bền vững, quy mô lớn, nên đã tạo được sự tin tưởng của ngân hàng cho vay vốn. Kết quả, sau 1 năm, chị đã chuyển 8ha đất bạc màu thành ruộng sản xuất muối với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Từ áp dụng mô hình “Kê bùn trên cát” sản xuất muối thành công, năng suất và chất lượng cao, nên sau gần 5 năm hoạt động, chị đã thu hồi vốn, trả hết nợ ngân hàng.
Không dừng lại đó, năm 2010, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, chị tiên phong ứng dụng mô hình “Kết tinh muối trên nền bạt nhựa” mang lại hiệu quả rõ rệt, chất lượng, sản lượng, giá thành vượt trội so với muối sản xuất trên nền đất. Kết quả đạt được từ ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất muối giúp chị mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình, đến nay, chị đã chuyển được 3,6ha ruộng muối kết tinh trên nền đất sang ruộng muối kết tinh trên nền bạt nhựa. Năm 2014, sản phẩm muối của chị đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nhờ biết cách tổ chức sản xuất có hiệu quả, gia đình chị Tân từ hộ kinh tế trung bình trở thành hộ giàu, thu nhập bình quân từ làm muối là 500 triệu đồng/năm, 8 hộ trong Tổ hợp tác sản xuất muối có mức thu nhập khá, 60-70 triệu đồng/năm. Tổ hợp tác còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động có thu nhập ổn định. Không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình, chị Tân còn có tinh thần “tương thân, tương ái”, sẻ chia kinh nghiệm làm muối trải bạt cho các hộ dân ở địa phương; đồng thời, giúp đỡ những hộ nghèo bằng cách đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo mỗi năm từ 10 triệu đồng trở lên.
Từ những thành tích đạt được, nhiều năm liền, chị Trần Thị Tân được các cấp khen thưởng. Năm 2014, UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm (2010-2014); Bằng khen Điển hình Tiên tiến 5 năm (2010-2014).
Anh Tùng