Vấn đề hôm nay:

Quyết tâm và hành động!

(NTO) Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả điều tra đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2014, cho thấy tỉnh ta đạt 56,88 điểm, xếp hạng 43/63; tăng 2,66 điểm và tăng 9 bậc so năm 2013, đứng đầu nhóm có kết quả điều hành kinh tế Trung bình. So với năm trước, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có 5 chỉ số cải thiện điểm số và thứ hạng gồm: Chi phí thời gian đạt 7,12 điểm, xếp thứ hạng 16/63, tăng 0,33 điểm và tăng 3 bậc; Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 4,73 điểm, xếp thứ hạng 28/63, tăng 0,45 điểm và tăng 28 bậc; Tiếp cận đất đai đạt 6,57 điểm, xếp thứ hạng 7/63, tăng 0,05 điểm và tăng 33 bậc; Cạnh tranh bình đẳng đạt 5,86 điểm, xếp thứ hạng 16/63, tăng 2,17 điểm và tăng 45 bậc; Chi phí không chính thức đạt 6 điểm, xếp thứ hạng 7/63, tăng 0,89 điểm và tăng 49 bậc.

Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ảnh: Văn Miên

Có 3 chỉ số tuy điểm số được cải thiện nhưng tụt giảm thứ hạng, đó là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 4,77 điểm, tăng 0,47 điểm nhưng thứ hạng tụt 5 bậc và xếp thứ 60/63; Đào tạo lao động đạt 5,19 điểm, tăng 0,03 điểm nhưng thứ hạng tụt 6 bậc và xếp thứ 47/63; Tính minh bạch đạt 6,03 điểm, tăng 0,06 điểm, nhưng thứ hạng tụt 15 bậc và xếp hạng 30/63. Ngoài ra, có 2 chỉ số giảm điểm và tụt thứ hạng gồm: Gia nhập thị trường đạt 7,75 điểm, giảm 0,84 điểm và tụt hạng 50 bậc, xếp thứ 53/63; Thiết chế pháp lý đạt 5,74 điểm, giảm 0,91 điểm và tụt hạng 25 bậc, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố.

Nhìn vào kết quả nêu trên, cho thấy bên cạnh sự “thăng hạng” đáng mừng so với năm trước đã thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TU ngày 7-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng cường đối thoại với doanh nghiệp... Tuy nhiên, cân phân mà nói trong 10 chỉ số thành phần có một số chỉ số như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch... những chỉ số này chiếm trọng số cao nhất (20%) nhưng mức độ cải thiện chậm, trong khi xu hướng các tỉnh cải thiện tăng mạnh các chỉ số nói trên. Điều này làm ảnh hưởng đến điểm số và thứ hạng PCI chung của tỉnh. Thử tìm hiểu nguyên nhân, ngoại trừ các yếu tố khách quan, xét về mặt chủ quan, cho thấy lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa thật sự tích cực trong giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc phát sinh có liên quan cho doanh nghiệp (DN). Theo phản ánh của nhiều DN trong tỉnh, thái độ của một số cán bộ các cấp chưa nhiệt tình trong giải quyết công việc cho DN, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, một số thủ tục còn cứng nhắc; các quy định về thuế thường xuyên điều chỉnh thay đổi, chính sách thuế không thông thoáng trong khi DN còn nhiều khó khăn; các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ cho DN chưa được DN đánh giá cao; DN chưa hài lòng về chất lượng nguồn lao động của tỉnh vì còn thiếu và đào tạo chưa chuyên sâu; DN cho rằng vẫn còn rất khó tiếp cận đến những tài liệu như các cơ chế, chính sách của địa phương và cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; rất khó tiếp cận mặt bằng do thiếu quỹ đất “sạch”…

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong năm 2015 nói riêng và những năm tiếp theo nói chung, yêu cầu đặt ra là cần nhận rõ những hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả, thể hiện quyết tâm bằng chính những hành động cụ thể. Đầu tiên cần chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thành lập, phá sản doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…Cần công khai các thủ tục, thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, các chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” trên các lĩnh vực, nhất là các thủ tục nêu trên. Mặt khác, lãnh đạo các ngành, địa phương cần tăng cường đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho DN; thường xuyên tổ chức đối thoại, nhất là về các lĩnh vực DN gặp nhiều khó khăn như đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách thuế, tín dụng…, qua đó tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần nâng cao cảm nhận của DN về hỗ trợ của các cấp chính quyền trong tỉnh đối với DN.