Đỉnh điểm là vào ngày 4-4, nhóm người trên đã đem hòn đá mà họ gọi là Kút bà (cao khoảng 0,8m, rộng 30cm) từ khu vực ở láng Cà Giang (cách khu dân cư khoảng 600m) về đặt tại khu đất công cộng đã nói trên, cho rào xung quanh và cử người canh giữ cả ngày lẫn đêm. Giữa tháng 4, họ dựng thêm khung nhà bằng gỗ với dự định lập nơi thờ cúng.
Đơn tố cáo, kiến nghị của tập thể nhân dân thôn Chất Thường.
Cho đến nay, mặc dù được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích song nhóm người trên vẫn ngoan cố, tiếp tục tổ chức hoạt động đồng bóng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân thôn Chất Thường. Theo đồng chí Hứa Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu, mảnh đất công mà họ lấn chiếm trước đây là sân bóng đá, là vùng đất được quy hoạch xây dựng trường Mẫu giáo thôn, có diện tích 1,5 sào, nhằm mục đích phục vụ cho việc học của chính con em họ và người dân địa phương. Hiện nay, thôn Chất Thường có 34 cháu nhi đồng cấp học mầm non, nhưng vì chưa có trường, trước đó, xã phải sử dụng nhà kho HTX cũ làm trường học, nay nhà kho dỡ bỏ nên các cháu phải học tạm trong nhà làng chật chội, nóng bức. Vì vậy, có được ngôi trường Mẫu giáo khang trang cho các cháu học tập, sinh hoạt là nguyện vọng tha thiết của người dân thôn Chất Thường.
Với hành vi gây rối trật tự an toàn xã hội, vi phạm pháp luật về đất đai, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và đi ngược lại phong tục, nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm Bàlamôn, vô hình trung nhóm người trên đã ngăn cản việc triển khai dự án xây trường Mẫu giáo thôn. Không chấp nhận hành vi trên, Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh đã lên án hoạt động đồng bóng, bói toán, mê tín dị đoan, gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân và kiến nghị UBND tỉnh tổ chức di dời Kút hoang về chỗ cũ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Về tảng đá được gán cho linh thiêng, thực chất chỉ là lời đồn nhảm của kẻ xấu. Cả sư Đổng Bạ, phụ trách tháp Pôklong-Garai, cho biết: Tảng đá nếu thực sự là Kút thì việc đào lấy là đã động chạm tới gia đình người có Kút rồi, nhưng đây là Kút không có họ, người Chăm gọi là Kút lạng. Việc làm tự ý của họ, phong tục không công nhận, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền giúp đỡ về an ninh để tổ chức di dời tảng đá về chỗ cũ, không hề có chuyện chính quyền đàn áp họ.
Theo phong tục của người Chăm Bàlamôn, bất cứ hành động nào mà không được Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh và Cả sư chấp nhận đều là hành động đi ngược lại tín ngưỡng. Đối với vấn đề này, ông Quảng Đại Hùng, Thư ký Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh, giải thích thêm: “Theo nguyên tắc của Bàlamôn, nếu có ý kiến nhất trí của 3 vị Cả sư thì đó là quyết định chính thống của Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh. Nên việc di dời tảng đá về chỗ cũ là đúng với quyết định, được đa số người dân trong thôn đồng tình ủng hộ”. Mong muốn di dời tảng đá ra khỏi làng, cụ Trượng Thổ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Chất Thường, nêu rõ: “Điều mà tôi và bà con trong thôn đều mong là chính quyền cần hỗ trợ di dời tảng đá ra ngoài, trả lại đất cho Nhà nước xây dựng trường Mẫu giáo thôn giúp các cháu có điều kiện học hành tốt hơn”.
Không đồng tình trước hành động tổ chức đồng bóng, bói toán làm ảnh hưởng đến người dân trong thôn, ngày 12-5, một số người dân thôn Chất Thường đã đứng đơn tập thể gửi đến Huyện ủy, UBND huyện Ninh Phước và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết dứt điểm hành vi của nhóm người tự ý đem Kút hoang vào trong làng. Như vậy, có thể thấy rõ các hành vi gây xáo trộn tình hình an ninh trật tự địa phương của nhóm người trên bị người dân phản đối mạnh mẽ. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương sớm ổn định tình hình an ninh trật tự, đặc biệt xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án xây dựng trường Mẫu giáo thôn phục vụ việc học của các cháu.
Bạch Thương